Đồng Nai: Nhiều DN có đơn hàng đến giữa năm 2011

Các doanh nghiệp may mặc, giày dép, gỗ, thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai có đơn đặt hàng đến giữa năm 2011 với số lượng  tăng mạnh.
Một số doanh nghiệp lớn ngành may mặc, giày dép, gỗ, thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết hiện đã có đơn đặt hàng đến giữa năm 2011, số lượng hàng tăng mạnh hơn năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec), doanh nghiệp đã có hợp đồng sản xuất đến tận tháng 10/2011. Khách hàng của Dovitec năm nay khá đông nên có nhiều sự lựa chọn về giá hơn so với mấy năm trước đây.

Hiện hàng may mặc xuất khẩu của Dovitec tập trung ở ba thị trường chính là châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Năm 2010 doanh thu xuất khẩu của Dovitec đạt hơn 300 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch năm. Để đối phó với tình hình lãi suất ngân hàng cao và giảm độ rủi ro, doanh nghiệp đã chọn phần lớn các đơn hàng gia công cho năm 2011.

Cũng giống Dovitec, Công ty cổ phần may Đồng Nai (Donagamex) đến nay cơ bản đã có hợp đồng sản xuất đến giữa năm 2011. Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty Donagamex cho rằng, khó khăn trước mắt của ngành may mặc không phải đơn hàng mà là tình hình giá cả gia tăng khiến doanh nghiệp rất khó xoay xở, ảnh hưởng đến sản xuất.

Ông Tạ Đức Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hòa Bình, chuyên về chế biến gỗ xuất khẩu cho biết, từ quý 4/2010 đến nay ngành gỗ vấp phải nhiều khó khăn do giá nguyên liệu tăng đột biến song đơn hàng đầu năm khá tốt.

Sản phẩm của Hòa Bình hiện xuất khẩu đi các thị trường lớn là Anh, Mỹ, Ý, Nhật Bản... Đến thời điểm này, các khách hàng truyền thống của công ty vẫn đưa đơn hàng khá ổn định và đầy đủ. Hiện công ty đã có đơn hàng đến hết quý 1/2010.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn thép Tiến Lên - thành phố Biên Hòa, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc khẳng định công ty đang tích cực sản xuất, điều phối bán hàng trong nước và xuất khẩu một cách hợp lý để cung ứng cho thị trường đầu năm 2011.

Cũng như may mặc, đơn hàng thép các loại của năm 2011 nhiều hơn năm 2010 nên doanh nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn mức giá hợp lý nhằm đảm bảo lợi nhuận. Xuất khẩu thép của công ty sang các thị trường Campuchia, Lào, Trung Đông... hiện vẫn rất tốt. Doanh thu xuất khẩu của Thép Tiến Lên năm 2010 đạt khoảng trên 3.000 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm trước.

Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ ngành may mặc, mỹ nghệ xuất khẩu, cơ khí... có trụ sở tại thành phố Biên Hòa cũng nhận định các đơn hàng đầu năm 2011 đến khá đều đặn, đa số đã có hợp đồng đến hết quý 1/2011, một số doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng đến hết quý 2 và quý 3/2011.

Các đơn hàng của những khách hàng mới cũng chiếm tỷ trọng nhiều hơn những năm trước, mở ra cơ hội thâm nhập vào những thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.

Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đặt mục tiêu năm 2011 cố gắng tăng doanh thu lên 20% so với năm 2010 dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp như tiết kiệm đầu vào, dự trữ nguyên liệu, cơ cấu lại hàng hóa... để giữ được mức lợi nhuận từ các đơn hàng./.

Minh Hưng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục