Đông Nam Á ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực vì COVID-19

Trước khi đại dịch xảy ra, mọi người dường như chưa thực sự nhìn nhận nghiêm túc về biến đổi khí hậu vì khi đó thực phẩm vẫn có sẵn và dễ dàng mua được.
Đông Nam Á ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực vì COVID-19 ảnh 1Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Manila, Philippines. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm đều cho rằng đại dịch COVID-19 chính là lời cảnh tỉnh rằng con người cần ứng phó khẩn cấp với cuộc khủng hoảng lãng phí thực phẩm.

Trong bối cảnh các quốc gia đều áp dụng các biện pháp phong tỏa , hạn chế đi lại, đại dịch đã chỉ rõ những điểm yếu của mạng lưới cung ứng toàn cầu khi xảy ra các tình trạng gián đoạn do thiếu lao động, thiếu các hoạt động vận tải và hậu cần. Tình trạng khan hiếm thực phẩm và giá cả leo thang xảy ra ở mọi nơi trên thế giới.

Theo William Chen, Giám đốc Chương trình khoa học và công nghệ thực phẩm thuộc Đại học Kỹ thuật Nayang (Singapore), đại dịch COVID-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh rất rõ ràng.

Trước khi đại dịch xảy ra, mọi người dường như chưa thực sự nhìn nhận nghiêm túc về biến đổi khí hậu vì khi đó thực phẩm vẫn có sẵn và dễ dàng mua được.

Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, vấn đề bắt đầu trở nên rõ nét và dễ hình dung hơn. Chuyên gia này cho rằng COVID-19 là cơ hội để “dọn dẹp” cơ chế hiện tại.

[Nhật Bản sử dụng trí tuệ nhân tạo để giảm lãng phí thực phẩm]

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính 1/3 các loại thực thẩm được sản xuất ra (tương đương 1,3 tỷ tấn) cuối cùng lại bị thất thoát hoặc bị vứt bỏ. Một báo cáo khác của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rác thải thực phẩm gây ra khoảng 8-10% khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo tổ chức tư vấn Boston, việc giảm lãng phí thực phẩm có thể giúp tiết kiệm 700 tỷ USD. Hiện các doanh nghiệp tại Đông Nam Á đang bắt đầu hòa nhập phong trào và tính đến các biện pháp ngăn chặn lãng phí thực phẩm, cũng như điều chỉnh phân phối và tái chế thực phẩm thừa.

Năm 2020, Singapore ghi nhận 665.000 tấn rác thải thực phẩm, tương ứng khoảng 11% tổng lượng rác thải ở nước này. Theo luật mới tại Singapore, từ năm 2024, các chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm có lượng rác thải lớn sẽ phải phân loại rác thải thực phẩm để xử lý.

Rayner Loi, đồng sáng lập của công ty khởi nghiệp Lumitics- chuyên cung cấp các giải pháp quản lý rác thải thực phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhận định sau đại dịch, thêm nhiều khách sạn và hãng hàng không sẽ tìm cách giải quyết bài toán lãng phí thực phẩm và đặt các tiêu chí về sử dụng bền vững lên trước tiên và làm trọng tâm.

Rayner Loi cho rằng đây sẽ là sự thay đổi vượt bậc so với chỉ vài năm trước khi vấn đề rác thải thực phẩm không được quan tâm thỏa đáng và rất khó để thảo luận và thuyết phục các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.

Lumitics đã phát triển một thiết bị truy dấu được trang bị công nghệ AI để lắp trong các thùng rác, qua đó định lượng và nhận diện mọi rác thải thực phẩm. Nhờ được cung cấp những thông tin thời gian thực về những loại và khối lượng thực phẩm đang bị vứt bỏ, các đầu bếp có thể đưa ra những quyết định để giảm lượng thực phẩm để chế biến các món ăn trong các thực đơn ăn tự chọn (buffet).

Theo Lumitics, thiết bị giúp giảm 40% thực phẩm bị lãng phí và khoảng 8% chi phí thực phẩm. Các đối tác của Lumitics hiện nay có các chuỗi khách sạn nổi tiếng như Accor, Hyatt, Marina Bay Sands và các hãng vận chuyển như hãng hàng không Singapore và Etihad.

Đông Nam Á ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực vì COVID-19 ảnh 2Chợ dân sinh ở Phnom Penh. (Ảnh: Trần Ngọc Long/Campuchia)

Công ty dự định sẽ mở rộng ra 1.000 địa điểm trong 5 năm tới trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương bước đầu với Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia, Indonesia và Australia.

Một trong những công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực này là Yindii có trụ sở tại Thái Lan. Yindii đã triển khai ứng dụng để kết nối các cư dân thủ đô Bangkok, những người đã nhận thức về giảm lãng phí thực phẩm, với các tiệm làm bánh, các chuỗi cà phê và các nhà hàng.

Các doanh nghiệp sẽ báo cáo số lượng hàng tồn trong mục “surprise boxes” (hộp bất ngờ) của ứng dụng và khách hàng có thể vào mục này để mua thực phẩm với giá chiết khấu 50-80% vào cuối ngày và được giao hàng đến tận nhà.

Tại Thái Lan, mỗi năm có khoảng 17 triệu tấn thực phẩm bị bỏ đi mỗi năm, trong đó chỉ có 2% được tái chế. Khoảng 64% trong 27,4 triệu tấn rác ở nước này là rác thải sinh học, bao gồm cả rác thải thực phẩm và đồ thừa trong bếp.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm không ý thức rằng họ đang lãng phí. Chỉ đến khi những doanh nghiệp này nhận ra rằng họ có thể có thêm 6%-14% doanh thu nếu tiết kiệm thực phẩm thì họ mới liên hệ lại với Yindii. 

Theo nhà sáng lập Yiidin Batard-Dupre, trước đây các thương hiệu rất ngại nói về rác thải thực phẩm vì điều đó đồng nghĩa rằng họ vẫn còn có hàng tồn kho. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã khác khi việc nói ra rằng mình đang đấu tranh để bảo vệ Trái Đất sẽ được đánh giá cao hơn việc cố che giấu một vấn đề vốn đã mang tính hệ thống của ngành này.

Tới nay, Yindii đã có hơn 20.000 hộp bất ngờ đã bán hết hàng, giúp tận dụng một lượng thực phẩm lớn có thể đã bị lãng phí để cung cấp cho những người gặp khó khăn. Các đối tác hiện nay của Yindii gồm các khách sạn Hilton Sukhumvit Bangkok,  Grand Hyatt Erawan Bangkok, Sofitel Bangkok Sukhumvit và JW Marriott.

Trong vài tháng tới, Yindii sẽ mở thêm các chi nhánh khác trên toàn Thái Lan và các nước Đông Nam Á.

Theo chuyên gia William Chen, Đông Nam Á là khu vực rất dễ chịu tác động của tình trạng lãng phí thực phẩm với đặc thù có nhiều trang trại quy mô nhỏ phụ thuộc vào các hoạt động chăn nuôi những đàn gia súc đông đúc và thiếu các phương tiện để đầu tư cho các công nghệ nông nghiệp hiệu quả hơn.

Một trong những Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được Liên hợp quốc đề ra đến năm 2030 là giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng, giảm thất thoát thực phẩm trong sản xuất và cung ứng, bảo gồm cả khâu sau thu hoạch.

Sự hợp tác giữa các đơn vị công và tư được coi là chìa khóa dẫn đến thành công, các chính phủ cần giúp đỡ về công nghệ và vốn để công ty khởi nghiệp nhỏ có thể mở rộng quy mô hoặc phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia để thu hẹp khoảng cách.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hơn về các quy trình tái chế thực phẩm và các giải pháp hỗ trợ để sử dụng và chế biến thực phẩm một cách hiệu quả, giảm thiểu lãng phí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục