Đồng ringgit yếu gây bất lợi cho ngành sản xuất ôtô Malaysia

Ngành công nghiệp ôtô Malaysia đang đối mặt với khó khăn sau khi chính phủ áp thuế hàng hóa và dịch vụ và chi phí đầu vào gia tăng do đồng ringgit yếu.
Đồng ringgit yếu gây bất lợi cho ngành sản xuất ôtô Malaysia ảnh 1Toyota nằm trong số các hãng phải tăng giá bán xe tại thị trường Malaysia do đồng ringgit yếu. (Ảnh: Reuters)

Ngành công nghiệp ôtô Malaysia bắt đầu cảm nhận được những tác động của việc nhu cầu kém sáng sủa, sự thờ ơ của người tiêu dùng sau khi chính phủ áp thuế hàng hóa và dịch vụ từ tháng Tư năm nay, và sự ''vật lộn'' với chi phí đầu vào gia tăng do đồng ringgit yếu.

Liên doanh của hãng UMW Holdings Bhd, UMW Toyota Motor Sdn Bhd, là một trong số ít các hãng ôtô chính thức thừa nhận điều này và cho biết giá của các dòng xe Toyota và Lexus dự kiến ​​sẽ tăng trong năm tới.

UMW không phải là hãng duy nhất cảm nhận ảnh hưởng của ringgit suy yếu. Thông tin cho thấy Hyundai (Hàn Quốc) là hãng sản xuất ôtô đầu tiên nâng giá bán xe do các yếu tố tiền tệ.

Thông thường việc tăng giá bán trong ngành công nghiệp ôtô đầy cạnh tranh chỉ được thực hiện như là một phương sách cuối cùng, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Thực tế việc tăng giá xe được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm cho thấy các nhà sản xuất ôtô không có sự lựa chọn nào khác để khắc phục chi phí gia tăng ngoài việc tăng giá đối với người tiêu dùng do đồng nội tệ suy yếu.

UMW cho biết sẽ tăng giá từ 4-16% đối với tất cả các dòng xe của hãng vì phải chi trả cho các khoản chi phí bổ sung do sự sụt giá đồng ringgit trong vài tháng qua.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng không phải tất cả các hãng ôtô đều phải chịu các chi phí bổ sung, thậm chí có những hãng sẽ gặt hái lợi nhuận từ môi trường khắc nghiệt này.

Báo cáo của Kenanga chỉ ra rằng các nhà sản xuất như Proton và thậm chí Mercedes-Benz Malaysia Sdn Bhd sẽ không phải viện đến việc tăng giá.

Mới đây, Mercedes-Benz đã công bố giảm 52.000 ringgit cho dòng xe W205 C-Class lắp ráp trong nước do được hưởng ưu đãi miễn thuế đối với xe tiết kiệm năng lượng. Việc giảm giá có thể giúp Mercedes-Benz Malaysia mở rộng thị trường.

Trong khi đó, các hãng xe nội địa như Proton và Perodua có thể tận dụng được sự suy yếu của đồng ringgit.

Nhà phân tích Azman Hussin của CIMB Research cho biết nếu Proton không tăng giá, hãng có thể giành được thị phần từ các hãng khác ở vị trí thấp hơn nhưng lại thực hiện tăng giá.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, sự sụt giảm giá kéo dài của đồng ringgit so với tất cả các đồng tiền chủ chốt khác, nhất là đồng USD, đang làm xói mòn lợi nhuận của ngành sản xuất ôtô Malaysia, với một số hãng dự kiến ​​sẽ mất khoảng 6% lợi nhuận ròng từ mỗi 1% sụt giảm của đồng nội tệ so với đồng USD.

Doanh số bán xe của Malaysia trong các tháng 1-8/2015 chỉ đạt 434.282 chiếc, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến Hiệp hội ôtô Malaysia (MAA) phải cắt giảm dự báo doanh số bán hàng của toàn ngành trong năm nay xuống còn 670.000 chiếc, so với 680.000 chiếc dự báo trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục