Đồng Tháp đột phá tái cơ cấu 5 nhóm hàng nông nghiệp chủ lực

Đề án mô hình thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp với những chính sách đột phá tập trung tái cơ cấu 5 nhóm ngành hàng chủ lực là lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng và vịt.
Đồng Tháp đột phá tái cơ cấu 5 nhóm hàng nông nghiệp chủ lực ảnh 1Xoài quả được bày bán tại chợ An Hửa, huyện Cái Bè. (Ảnh: Đình Hụê/TTXVN)

Đồng Tháp là địa phương tiên phong xây dựng thí điểm Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung tái cơ cấu 5 nhóm ngành hàng chủ lực là lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng và vịt.

Cụ thể, để thực hiện Đề án, địa phương này đang đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế, chính sách và trình Chính phủ cho phép triển khai thí điểm một số chính sách mang tính đột phá như: Chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay khi thuê đất mở rộng quy mô sản xuất và san bằng mặt ruộng; thí điểm cơ chế đối tác “công-tư” trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các khu, cụm công nghiệp-dịch vụ tại các vùng chuyên canh, phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp chủ lực;

Bên cạnh đó, địa phương còn đẩy mạnh các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học-công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đầu tư hạ tầng cho các hợp tác xã nông nghiệp đồng thời, cho phép trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác có đăng ký sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh được hưởng các chính sách hỗ trợ như doanh nghiệp…

Đó chính là nội dung trọng tâm được đưa ra tại Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến đầu tư thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp” do ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn (IPSARD) tổ chức sáng nay (25/11), tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ năm 2012, Đồng Tháp đã vươn lên tốp đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cao (CPI) cấp tỉnh, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

"Theo đó, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có thể hoàn thành thủ tục sớm nhất, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, đáp ứng mặt bằng nhanh nhất, điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực cho nhà đầu tư," Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng cũng cho biết, Đồng Tháp được xem là tỉnh trọng điểm nông nghiệp của cả nước, có thế mạnh và tiềm năng to lớn trong sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây ăn trái, hoa kiểng... GDP nông nghiệp hiện chiếm khoảng 36% tổng GDP của tỉnh, xuất khẩu tăng nhanh với hai sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản và lúa gạo.

Cụ thể, hiện Đồng Tháp đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng cá tra, đứng đầu về diện tích và sản lượng xoài; đứng thứ 3 về diện tích và sản lượng lúa đồng thời là một trong 3 vùng trồng hoa nổi tiếng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và còn có trên 30 sản phẩm nông nghiệp đặc thù địa phương…

Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng IPSARD Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, hiện Đồng Tháp được đánh giá là đang vận dụng linh hoạt những chính sách của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với quy định pháp luật, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai và khoa học công nghệ để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

Đáng chú ý, năm 2014, với sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành, Đồng Tháp đã ký kết hợp tác nghiên cứu, ứng dụng sản xuất hoa kiểng công nghệ cao với tập đoàn các doanh nghiệp Hà Lan; hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân lực phát triển sản xuất nông nghiệp với tỉnh Ibaraki Nhật Bản; hợp tác tài trợ của tập đoàn nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàn quốc (KRC) và Ngân hàng thế giới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Đồng Tháp đột phá tái cơ cấu 5 nhóm hàng nông nghiệp chủ lực ảnh 2Các đại biểu tham gia ký kết hợp tác về nông nghiệp và thủy sản với Đồng Tháp. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Cũng tại Hội thảo này, Tập đoàn Phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC), Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) tại Việt Nam cùng các đối tác vừa ký kết 2 biên bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực trồng lúa và nuôi trồng thủy sản bền vững với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, các bên sẽ tiếp tục triển khai các chủ trương hợp tác công tư và sẽ cùng xây dựng đề xuất các chương trình hỗ trợ cụ thể nhằm phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương đồng thời IPSARD sẽ tham gia để hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật trong giai đoạn này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục