Đồng yen mạnh đang là mối đe dọa nền kinh tế

Bộ trưởng Tài chính Nhật khẳng định sẽ thuyết phục đối tác G7 rằng đồng yen mạnh là mối đe dọa với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Phát biểu trước thềm phiên họp tài chính của nhóm các nước công nghiệp hóa hàng đầu thế giới (G7), tân Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi khẳng định ông sẽ cố gắng thuyết phục các đối tác trong G7 rằng đồng yen mạnh là mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Theo các chuyên gia phân tích, tầm quan trọng của cuộc họp lần này tăng sau khi Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) quy định tỷ lệ hối đoái tối thiểu 1,2 franc Thụy Sĩ đổi 1 euro, với lý do giá trị đồng franc (cũng giống như đồng yen, được giới đầu tư coi là "nơi trú ẩn an toàn") đang đe dọa nền kinh tế nước này. SNB cũng tuyên bố đang chuẩn bị mua ngoại tệ với số lượng lớn.

Ngày càng nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, được "khích lệ" để can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm bảo vệ nền kinh tế quốc gia trước những biến động mạnh trên thị trường tiền tệ.

Trả lời phỏng vấn Dow Jones Newswire, Koji Fukaya, cán bộ cao cấp thuộc Credit Suisse cho rằng động thái trên của SNB có thể khiến Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng trung ương nước này (BoJ) cảm thấy "thanh thản" hơn khi có các hành động tiếp theo.

Bộ trưởng Azumi đang phải chịu sức ép phải bảo vệ nền kinh tế Nhật Bản trước sức tấn công của đồng yen mạnh. Trong tháng Tám vừa qua, đồng yen đã vọt lên 75,95 yen/USD, mức cao nhất của thời kỳ hậu chiến tranh thế giới lần 2.

Tuy nhiên, trong phiên 6/9, đồng tiền này đã giảm xuống 77,24 yen/USD. Thị trường lo ngại rằng sức mạnh của đồng yen có thể xói mòn nỗ lực phục hồi kinh tế sau thảm họa động đất-sóng thần xảy ra hôm 11/3 năm nay.

Đồng yen mạnh làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu nhật Bản, đồng thời khiến các sản phẩm được làm tại nước này trở nên đắt đỏ hơn khi bán ở thị trường nước ngoài. Hiện đang xuất hiện các mối quan ngại rằng Nhật Bản có thể phải đối mặt với tình trạng "rỗng ruột" trong các ngành công nghiệp, khi ngày càng nhiều công ty đang tính phương án chuyển hoạt động sản xuất và công việc ra nước ngoài.

Dưới thời của ông Yoshihiko Noda, người tiền nhiệm của ông Azumi, Nhật Bản đã 3 lần can thiệp vào thị trường ngoại hối để làm yếu đồng yen, trong đó có hai lần Bộ Tài chính phải đơn phương hành động.

Trong một diễn biến có liên quan, ông Azumi tuyen bố muốn cắt giảm thuế doanh nghiệp, hiện đang ở mức khoảng 40%, như đề xuất trước đây của Tokyo và khích lệ các công ty Nhật Bản duy trì hoạt động tại nước nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục