Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Tỉnh có trách nhiệm bố trí công việc

Tỉnh có trách nhiệm bố trí các đội viên dự án vào vị trí công tác từ cấp xã đến cấp huyện trở lên, đảm bảo những đội viên hoàn thành nhiệm vụ đều được bố trí công tác phù hợp với trình độ, phẩm chất.
Dự án 600 Phó Chủ tịch xã: Tỉnh có trách nhiệm bố trí công việc ảnh 1Cán bộ xã tuyên truyền, vận động người dân tích trữ lương thực nhằm phòng chống thiếu lương thực khi bị mưa lũ. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một xã loại 3 chỉ được bố trí một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã. Điều này làm dấy lên những lo ngại về tương lai của các đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã tăng cường về 64 huyện nghèo trong cả nước, khi dự án kết thúc vào tháng 6/2017.

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý Dự án 600 Phó Chủ tịch xã đã trao đổi với phóng viên TTXVN về hướng giải quyết đối với những Phó Chủ tịch xã không được vào quy hoạch, không được bố trí trong chức danh công chức của xã nhiệm kỳ 2015-2020.

- Được biết, Bộ Nội vụ đã trình Bộ Chính trị cho ý kiến về việc bố trí sử dụng đội viên Dự án 600 Phó Chủ tịch xã khi không được cơ cấu vào cấp ủy, không được bố trí chức danh công chức ở xã, ông có thể chia sẻ về đề xuất của Bộ?

Ông Vũ Đăng Minh: Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, mỗi xã loại 3 chỉ bố trí một Phó Chủ tịch. Do vậy, để đảm bảo đội viên được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khi kết thúc dự án, Ban quản lý Dự án đã tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản báo cáo Thủ tướng xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến chỉ đạo.

Về nguyên tắc, đối với các xã đang thực hiện dự án, tiếp tục được bố trí hai Phó Chủ tịch xã, trong đó có một Phó Chủ tịch xã là đội viên của dự án. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn, căn cứ nhu cầu, địa phương bố trí các vị trí công tác khác phù hợp với trình độ, phẩm chất, năng lực của họ. Số còn lại sau khi kết thúc dự án, tỉnh có trách nhiệm bố trí vào vị trí công tác từ cấp xã đến cấp huyện trở lên, đảm bảo nguyên tắc những đội viên nào hoàn thành nhiệm vụ đều được xem xét, bố trí công tác phù hợp với trình độ, phẩm chất, năng lực.


- Như vậy, việc tăng thêm biên chế cho các xã có làm tăng biên chế của địa phương không?


Ông Vũ Đăng Minh:
Việc tăng này không ảnh hưởng đến biên chế của địa phương. Theo Quyết định 08/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo để thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo), các đội viên dự án thuộc biên chế nhà nước, tuy nhiên, trước mắt, chưa được bố trí biên chế theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP (quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã).

Hiện, Bộ Nội vụ trình theo hướng đối tượng này đã là biên chế nhà nước, có thể điều động, luân chuyển trong hệ thống chính trị từ xã lên huyện, huyện lên tỉnh. Đó là căn cứ nhu cầu địa phương. Trước mắt, tôi khẳng định trách nhiệm của các tỉnh là bố trí cho đội viên theo nguyên tắc những em hoàn thành nhiệm vụ trở lên đều được xem xét, bố trí.

Phương án bố trí là những địa phương còn biên chế mà chưa sử dụng hết, sẽ lấy biên chế đó bố trí đội viên vào. Phương án hai là những tỉnh đã sử dụng hết biên chế hiện tại, sẽ áp theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giảm biên chế theo nguyên tắc ra 2 vào 1, khi tuyển mới ưu tiên tuyển đội viên dự án.

Phương án ba, nếu cả hai phương án trên không thực hiện được, Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ điều chỉnh trong tổng biên chế chung của cả nước.

- Qua rà soát, ông thấy tình hình lượng biên chế chưa sử dụng đến ở địa phương như thế nào, đáp ứng bao nhiêu % so với gần 600 đội viên dự án?

Ông Vũ Đăng Minh: Mỗi tỉnh bình quân có 15-20 đội viên dự án, có tỉnh chỉ có từ 7-10 người, con số ấy so với tổng biên chế chung của toàn tỉnh không vấn đề gì. Vì nhiều tỉnh số biên chế còn sử dụng chưa hết. Thứ hai, thực hiện tinh giản biên chế, đây chính là cơ hội để bổ sung vào biên chế những người đủ tiêu chuẩn quy định một cán bộ công chức.

- Bộ Nội vụ có dùng quyền lực của mình trong quản lý biên chế để "ép" địa phương phải giải quyết cho số đội viên của dự án?

Ông Vũ Đăng Minh: Không, chúng tôi không có ý đó! Đây là trách nhiệm địa phương phải sử dụng vì Chính phủ tăng cường nguồn lực cho các địa phương để bố trí sử dụng có hiệu quả. Các em thực hiện nhiệm vụ ở xã 5 năm đúng theo tiêu chuẩn, điều kiện của Luật Cán bộ công chức, đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng để xem xét tuyển dụng vào các vị trí cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.

Thứ hai là các em đã có 5 năm công tác gắn bó với địa phương và nguyện vọng tha thiết của các em là được ở lại công tác lâu dài cho cơ sở chứ không phải xin về thành phố, tôi nghĩ đó là điểm mừng nhất. Như vậy, đây là cơ hội tốt nhất để cơ sở có điều kiện tuyển chọn, bố trí, sử dụng được những người đủ trình độ, phẩm chất, năng lực và tinh thần thái độ tốt trong việc phục vụ nhân dân.

- Nhiều địa phương còn phải lo giải quyết biên chế cho người của địa phương mình. Bắt buộc họ phải giải quyết cho các đối tượng này có là thỏa đáng, thưa ông?

Ông Vũ Đăng Minh: Tôi nghĩ lãnh đạo địa phương quan tâm đến chất lượng đội ngũ công chức. Nhiều người còn xin rút các trí thức trẻ về công tác cho huyện, tỉnh nếu dự án cho phép. Ví dụ như trường hợp em Lê Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nậm Ét, (huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), huyện tha thiết xin em về làm công chức cho huyện nhưng vì chưa đủ 5 năm công tác cho Dự án nên huyện đã làm văn bản đề xuất biệt phái làm công chức cho huyện.

Huyện Quỳnh Nhai ở trong vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La nên nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Huyện rất cần kỹ sư về thủy sản, em Hương lại tốt nghiệp chuyên ngành thủy sản Đại học Nha Trang nên huyện tha thiết mời về và bổ nhiệm Phó phòng Nông nghiệp.

Hiện Dự án đã có năm em làm cán bộ cấp huyện và 12 em làm Chủ tịch xã.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục