Dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới tại Sahara

Với số tiền đầu tư 400 tỷ euro, một tập đoàn ở Đức dự kiến biến sa mạc Sahara tại Bắc Phi thành nguồn cung cấp năng lượng khổng lồ không bao giờ cạn cho châu Âu.

Với số tiền đầu tư 400 tỷ euro, một tập đoàn ở Đức dự kiến biến sa mạc Sahara tại Bắc Phi thành nguồn cung cấp năng lượng khổng lồ không bao giờ cạn cho châu Âu.

Dự án mang tên DESERTEC của họ sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng có thể sản xuất điện từ năng lượng mặt trời với công suất vô tận và hiệu quả kinh tế cao.
 
“Siêu dự án”
 
Báo Nam Đức vừa cho biết khoảng 20 công ty lớn của Đức có kế hoạch thành lập tập đoàn mang tên DESERTEC để xây một loạt nhà máy điện sử dụng năng lượng mặt trời ở sa mạc Bắc Phi có thể thỏa mãn 15% nhu cầu tiêu thụ điện của cả châu Âu. Trị giá 400 tỷ euro, gồm 350 tỷ euro để xây các nhà máy điện và 50 tỷ euro lắp đặt mạng lưới tải điện, đây sẽ là dự án năng lượng tư nhân lớn nhất trong lịch sử từ trước tới nay và cũng là dự án sản xuất điện bằng nhiệt lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Tham gia dự án này trước hết phải kể tới hãng tái bảo hiểm Munich Re cùng với Siemens, Deutsche Bank và RWE - tập đoàn cung cấp điện lớn thứ hai nước Đức. Điều hành DESERTEC là Munich Re.
 
Ngày 13/7/2009 tới, họ sẽ nhóm họp ở Munich để thành lập DESERTEC và đây là một tổ hợp mở, luôn để ngỏ cửa cho các công ty của những nước khác. Chủ tịch Munich Re, ông Jeworrek, tin tưởng dự án đầy tham vọng này sẽ thu hút thêm nhiều đối tác châu Âu và Bắc Phi.

Ông cho biết một số doanh nghiệp lớn của Tây Ban Nha và Italy tỏ ra rất quan tâm đến DESERTEC. Từ các nước Bắc Phi “cũng có khá nhiều tín hiệu tích cực”. Chỉ có người Pháp là tỏ ra không mấy quan tâm đến “dự án xanh” này vì họ vẫn chủ yếu dựa vào năng lượng hạt nhân.
 
Theo dự kiến, cuộc họp thành lập DESERTEC sẽ có sự tham dự của các bộ ngành ở Đức và đại diện những nước thành viên câu lạc bộ Roma (một tổ chức nghiên cứu chuyên đề xuất những sáng kiến và ý tưởng đổi mới).
 
Với “siêu dự án” DESERTEC, trong vòng 10 năm, một loạt nhà máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời sẽ mọc lên ở Bắc Phi. Tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn những quốc gia Bắc Phi làm đối tác trong dự án này: Đó phải là “những nước ổn định về chính trị”. Trong vòng 10-15 năm sau khi bước vào hoạt động, các nhà máy của DESERTEC sẽ “làm ăn có lãi” với giá điện “có tính cạnh tranh cao.”

Giá điện của DESERTEC khi ấy sẽ được bán ổn định ở mức 0,06 euro/KWh. Giá điện rẻ nhất ở châu Âu hiện nay dao động từ 0,025 đến 0,05 euro/KWh, nhưng theo giới chuyên gia thì trong vòng 30 năm nữa, mức giá này sẽ tăng cao hơn nhiều so với hiện nay.
 
Khả thi về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế
 
Tính khả thi của dự án DESERTEC đã được các cơ quan chức năng kiểm tra từ năm 2005 với những nhận xét tích cực. Kỹ thuật sản xuất điện từ năng lượng mặt trời mà họ áp dụng đã được kiểm nghiệm thành công nhiều năm ở Tây Ban Nha và ở sa mạc Mojave (California, Mỹ).

Các nhà máy này hoạt động theo nguyên lý: Những tấm gương parabol khổng lồ sẽ tập trung năng lượng mặt trời nung nóng một loại dầu đặc biệt và dầu được nung nóng ở nhiệt độ cao này biến nước thành hơi nước chạy turbin phát điện. Công nghệ này khác với công nghệ sử dụng pin mặt trời, trực tiếp biến quang năng thành điện năng.
 
Với việc xây dựng những nhà máy nhiệt điện mặt trời khổng lồ ở các sa mạc Bắc Phi, người ta có thể sản sinh ra một lượng điện hầu như vô tận, không thải ra khí CO2 và với giá cả ổn định. Theo tính toán, mỗi năm mặt trời “đổ xuống” các sa mạc ở Bắc Phi và Trung Đông khối lượng năng lượng tương đương với 630 tỷ MWh, trong khi lượng điện tiêu thụ hàng năm của toàn châu Âu chỉ có 4 tỷ MWh.
 
DESERTEC không chỉ giải quyết vấn đề sản xuất năng lượng lâu dài mà còn đáp ứng được những thách thức toàn cầu quan trọng nhất trong các thập kỷ sắp tới. Đó là thiếu năng lượng ở các khu vực phát triển thịnh vượng, tình trạng thiếu nước ngọt, thiếu lương thực và hiện tượng ồ ạt thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Đó chính là lời giải cho bài toán làm thế nào để 10 tỷ người tồn tại trên trái đất vào năm 2050, khi các nguồn tài nguyên đã bị 6 tỷ người khai thác một cách vô độ gần sắp đến điểm cạn kiệt như hiện nay./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục