Dự án đường sắt chuyển chủ đầu tư: Yêu cầu không xảy ra xáo trộn

Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải với nguyên tắc là không ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án, đến việc giải ngân và không để xảy ra bất cứ xáo trộn nào.
Dự án đường sắt chuyển chủ đầu tư: Yêu cầu không xảy ra xáo trộn ảnh 1Hệ thống cầu đường sắt Việt Nam hợp tác Nhật Bản đầu tư xây dựng giúp tàu chạy đúng tốc độ thiết kế. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến 30/9 đã chính thức chuyển giao toàn bộ dự án đường sắt về Bộ Giao thông vận tải.

Việc chuyển giao liên quan đến việc “tước” quyền chủ đầu tư cùng lúc 18 dự án đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam này, theo thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông được thực hiện với nguyên tắc không ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án, không ảnh hưởng đến việc giải ngân và không để xảy ra bất cứ xáo trộn nào.

Đã có lộ trình sáp nhập

Tại cuộc họp báo Quý 3/2014 vào chiều 7/10, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, chuyển chủ đầu tư dự án đường sắt về Bộ Giao thông Vận tải là do Bộ đã có chủ trương, Nghị quyết của ban cán sự Bộ và quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từ tháng Tám. Sau đó, Bộ rà soát tất cả Cục, Vụ, Tổng công ty để xác định lộ trình.

“Bộ vẫn tiếp tục thực hiện bước tiếp theo là sáp nhập Ban quản lý dự án của Tổng công ty về Ban Quản lý dự án đường sắt trực thuộc Bộ từ giờ đến ngày 15/10 tới đây,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Về nghi án nhận hối lộ 80 triệu yen (khoảng 16,5 tỷ đồng) từ Công ty tư vấn giám sát giao thông vận tải Nhật Bản (JTC), báo chí Nhật Bản đưa tin rằng, Nhật Bản bắt đầu phiên tòa xét xử lãnh đạo JTC. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải chưa nhận được thông tin chính thức nào về nội dung này.

“Thông tin là do báo chí đưa lên và Bộ đã biết được những thông tin này. Thông thường, thông tin tiếp nhận qua kênh ngoại giao nhưng hiện vẫn chưa có thông tin chính thức từ Đại sứ quán hay Bộ Ngoại giao về vụ vấn đề này. Việc xử lý các cá nhân đang tạm giữ là trách nhiệm của Công an,” Thứ trưởng Đông cho biết.

Liên quan đến thanh tra về các dự án đường sắt do Bộ Giao thông Vận tải tiến hành thanh tra và đã có kết luận. Cụ thể, Bộ chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiểm điểm trách nhiệm Tổng công ty, lãnh đạo Tổng công ty đến các cá nhân tham gia quá trình triển khai đến dự án với rất nhiều nội dung trong đó có vấn đề chậm trong quá trình thực hiện dự án, thẩm quyền… đều được chỉ ra trong kết luận thanh tra và giao cho Tổng công ty kiểm điểm báo cáo lên Bộ.

Dự án đội vốn do...thời gian
 
Trả lời câu hỏi vì sao các dự án đường sắt đều đang đội vốn, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, ngoài các nguyên nhân vướng giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế, giá thành thiết bị tăng thì còn có một trong những nguyên nhân là do tỷ giá thay đổi.

“Tổng mức đầu tư duyệt tiền Việt trong khi vay ngoại tệ bằng các đồng tiền khác nhau như ký hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản là dùng đồng yen, ký hiệp định ADB thì dùng đồng SDR (đồng tiền trung bình của các loại đồng tiền). Do đó, khi tỷ giá thay đổi thì sẽ có trượt giá,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông lý giải.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, các dự án đường sắt đều dùng vốn ODA, từ khi lập dự án nghiên cứu tiền khả thi (FS) đến thực hiện dự ấn mất 4-6 năm. Các dự án này phê duyệt từ năm 2005 thậm chí từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện dự án.

Đơn cử như Hà Nội có dự án sau 11 năm đến giờ chưa tiến hành làm mà mới chỉ nằm trên giấy, nếu bây giờ thực hiện thì tổng mức đầu tư tăng gấp đôi.

Hay như dự án Cát Linh Hà Đông, phê duyệt từ năm 2005. Khi đó, đoàn tàu Trung Quốc mới là thế hệ thứ nhất, nhưng giờ, tàu đưa vào dự án là thế hệ thứ năm, công nghệ thay đổi dẫn đến giá chắc chắn là khác.

“Đi vào thực chất mới biết việc tăng đó không phải do chúng ta có sai phạm trong tổ chức dự án hay bất cứ việc gì mà đây là vấn đề rất khách quan. Do đó, không có dự án bị đội vốn mà thực chất phải gọi là cập nhật vốn tăng lên do giá thiết bị thay đổi,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường bày tỏ quan điểm./.

Cuối tháng Chín vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với những giải trình về nguyên nhân gây chậm tiến độ và việc tất cả các dự án đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư với mức “đội” vốn cao nhất lên tới gần 200%.

Sáu dự án bao gồm dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội-tuyến số 1 (giai đoạn 1); dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên (Thành phố Hồ Chí Minh); dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 đoạn Bến Thành-Tham Lương (Thành phố Hồ Chí Minh).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục