Dự án mở rộng quốc lộ 1 qua Khánh Hòa hoàn thành trước hạn

Dự án đã hoàn thiện trước thời hạn 3 tháng so với yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải đặt ra và sớm hơn 15 tháng so với chỉ đạo của Chính phủ.
Dự án mở rộng quốc lộ 1 qua Khánh Hòa hoàn thành trước hạn ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Chiều 25/9, tại thành phố Cam Ranh, Bộ giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ thông xe các dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Khánh Hoà sau 21 tháng triển khai thi công.

Dự án đã hoàn thiện trước thời hạn 3 tháng so với yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải đặt ra và sớm hơn 15 tháng so với chỉ đạo của Chính phủ.

Phát lệnh thông xe, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã đánh giá cao sự phối hợp chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và sự hợp tác của các ngành chức năng địa phương, sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án, giúp công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, giải toả và di dời được triển khai nhanh chóng.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng biểu dương các đơn vị quản lý dự án, chủ đầu tư và các đơn vị trực tiếp thi công, đã huy động tối đa các nguồn lực để triển khai thực hiện tốt các dự án. Những yếu tố này giúp toàn tuyến quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Khánh Hòa hoàn thiện trước thời hạn.

Tuyến quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa có tổng chiều dài 142 km, được thực hiện qua 4 dự án với tổng mức đầu tư 9.937 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án triển khai bằng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, 2 dự án thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư, khai thác, chuyển giao). Về quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật, phần đường đoạn ngoài đô thị đạt tiêu chuẩn đ ường cấp III - đồng bằng; tốc độ thiết kế 80km/ giờ ; đoạn qua khu đô thị theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60km/ giờ; bề rộng nền đường toàn tuyến 20,5 mét, đối với đoạn qua đô thị còn có hệ thống thoát nước dọc.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, với vai trò kinh tế và vị trí địa lý quan trọng của tỉnh Khánh Hòa đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, việc sớm đưa vào khai thác đoạn tuyến này giúp đẩy nhanh quá trình phát triển cho toàn khu vực; đồng thời là một phần quan trọng và phù hợp với định hướng phát triển giao thông Việt Nam theo trục Bắc-Nam, hạn chế đáng kể tình trạng tai nạn giao thông trên tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục