Dự án nâng cấp luồng qua cửa Lạch Giang bị chậm tiến độ

Cụm công trình cửa Lạch Giang đã khởi công được hơn 7 tháng (tương ứng 30% thời gian của hợp đồng) nhưng khối lượng của các Nhà thầu mới đạt được khoảng 16-24%.

Dự án nâng cấp cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang, Nam Định thuộc hợp phần Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) nhằm cải tạo hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội-Nam Định) được khởi công từ 27/2. Tuy nhiên, qua hơn bảy tháng triển khai, tiến độ dự án chưa đạt kế hoạch đề ra.

Theo ông Dương Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Các dự án đường thủy nội địa phía Bắc (PMU-NIW), trừ gói thầu do Công ty Lochsa thi công đạt khối lượng trên 30%, các gói thầu còn lại đang chậm tiến độ; trong đó có gói thầu “Kè bờ bãi đổ đất phía Nam” do Liên danh Hacoin-Công ty Cơ khí Phương Nam thi công chậm nhất, mới thực hiện được 14% khối lượng công việc.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết Hiệp định của dự án WB6 đã được gia hạn lần 1 và sẽ kết thúc vào 31/12/2015.

Cụm công trình cửa Lạch Giang đã khởi công được hơn 7 tháng (tương ứng 30% thời gian của hợp đồng) nhưng khối lượng của các Nhà thầu mới đạt được khoảng 16-24% là chậm so với tiến độ yêu cầu.

Tại buổi kiểm tra hiện trường dự án vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Ban quản lý dự án xem xét các nhà thầu yếu, nếu không cải thiện có thể chấm dứt hợp đồng.

Bộ trưởng chỉ đạo: “Nhà thầu Liên danh Hacoin-Công ty Cơ khí Phương Nam chỉ đủ tiêu chuẩn làm thầu phụ, phải thay ngay nhà thầu. Tiến độ dự án đã rất chậm. Vấn đề quan trọng bây giờ là nhà thầu phải huy động thiết bị, tổ chức thi công. Với 12 nhà thầu, nếu ban quản lý không giỏi, không tổng chỉ huy được thì sẽ rất khó kết nối giữa các gói thầu.”

Giải trình về tiến độ dự án chưa đạt yêu cầu, ông Dương Thanh Hưng cho biết mặc dù Ban quản lý dự án đã nỗ lực bám sát hiện trường thúc giục nhà thầu đẩy mạnh thi công nhưng trong quá trình thực hiện, nhà thầu đã gặp một số khó khăn như mực nước thi công không đủ nông để thi công bằng phương pháp thi công lấn biển, nhưng lại không đủ sâu để có thể sử dụng các loại sà lan lớn hơn 600 tấn. Nếu sử dụng các loại sà lan nhỏ hơn thì dễ bị sóng biển đánh chìm.

Mặt khác, do cửa biển có tốc độ bồi xói lớn nên địa hình cửa Lạch Giang thường xuyên biến đổi, các bãi cạn thay đổi thường xuyên nên các tàu thuyền rất dễ bị mắc cạn.

Từ tháng 3 đến tháng 6 là thời điểm gió mùa Đông Nam hoạt động mạnh nên sóng biển rất lớn nên gây khó khăn trong việc thi công.

Từ tháng 7 đến tháng 10 là mùa mưa bão, thường xuyên có áp thấp nhiệt đới và bão. Khi có áp thấp và bão thì các phương tiện thi công phải rút vào nơi tránh trú bão làm gián đoạn thi công cả tuần lễ.

Các hợp đồng thuộc cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2014 cũng đúng vào thời điểm thời tiết bất lợi trong năm. Vì vậy, dẫn đến khối lượng thi công dưới nước của dự án chưa đạt yêu cầu.

Ông Hưng cho biết thêm: “Việc xin giấy phép xây dựng cho dự án bị chậm cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Mặc dù Ban quản lý dự án đã chủ động làm thủ tục xin cấp phép xây dựng từ tháng 1/2014, cụm công trình này cần được thẩm tra bởi các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó đến cuối tháng Bảy vừa qua cụm công trình này mới được cấp phép xây dựng. Sau khi có giấy phép xây dựng, các nhà thầu mới được phép thi công các hạng mục dưới nước.”

Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Bắc khẳng định đến thời điểm này các nhà thầu đã hoàn thành việc thi công thí điểm và tìm ra phương án thi công phù hợp để thi công các hạng mục khó nhất như vải địa kỹ thuật, lưới địa kỹ thuật, thảm rọ đá, ống địa kỹ thuật... Vì vậy, trong thời gian tới, Ban quản lý dự án sẽ yêu cầu các nhà thầu huy động thêm nguồn lực, tăng cường máy móc để đẩy nhanh được tiến độ thi công và bù đắp lại phần tiến độ đã bị chậm trễ.

Dự án nâng cấp cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang có tổng mức đầu tư 110 triệu USD bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy khai thác hiệu quả hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực và kết nối giao thông thủy nội địa khu vực với cả nước thông qua hình thức vận tải pha sông biển, giúp cho tàu pha sông biển có trọng tải 1.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc.

Thời gian dự kiến hoàn thành dự án là ngày 31/12/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục