Dự án Sài Gòn M&C: VAMC đảm bảo quyền lợi cho cả chủ nợ lẫn người mua

Ông Đông cho biết, Dự án đầu tư Cao ốc Sài Gòn M&C sẽ được công khai trên thị trường và xác định giá khởi điểm, bước tiếp theo sẽ thuê tổ chức đưa ra đấu giá theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
Dự án Sài Gòn M&C: VAMC đảm bảo quyền lợi cho cả chủ nợ lẫn người mua ảnh 1Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố. Hồ Chí Minh. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Thực hiện theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Đây là khoản nợ đầu tiên được VAMC tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị định này.

Xác định đây là khoản nợ lớn, việc VAMC thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm sẽ góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và tài sản bảo đảm của nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42, đồng thời mang tính cảnh báo đến các khách hàng có nợ xấu nhằm nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng cho VAMC cũng như tổ chức tín dụng.

Để hiểu rõ hơn về kế hoạch này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch hội đồng thành viên VAMC xung quanh vấn đề này.

- VAMC vừa tiến hành thu giữ Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C để tiến hành xử lý nợ xấu, vậy tính pháp lý của động thái này là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Đông: Trước hết, thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội vừa ban hành có hiệu lực ngày 15/8, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng, cơ quan chức năng bộ ngành, đến địa phương để thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo món nợ lớn nhất VAMC mua từ ngày thành lập đến nay và triển khai việc này đã chuẩn bị trước đó một tháng.

[VAMC thu 7.000 tỷ đồng nợ xấu của Sài Gòn One Tower]

VAMC phải thông báo tới địa điểm thu giữ, Ủy ban Nhân dân phường và nhờ cấp ủy chính quyền địa phương phối hợp. Việc này thực hiện đúng trình tự theo quy định pháp luật. Trong quá trình thu giữ, hiện nay các đơn vị khách hàng vay chấp hành ký biên bản thu giữ bàn giao. Và hiện nay VAMC đang xúc tiến các công việc chuẩn bị các bước tiếp theo.

- Vậy thưa ông cụ thể các bước tiếp theo đó là gì?

Ông Nguyễn Tiến Đông: Trước hết, chúng tôi đang thành lập hội đồng xử lý nợ. Hội đồng này ngoài thành phần chủ chốt của công ty, chúng tôi mời thêm các bộ ngành như Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an và hai ngân hàng là chủ nợ của tài sản đó.

Sau khi thành lập hội đồng thì sẽ tổ chức để thuê cơ quan định giá thẩm định giá xong sẽ xác định giá khởi điểm. Việc này làm công khai trên thị trường và xác định giá khởi điểm, bước tiếp theo sẽ thuê tổ chức đưa ra đấu giá theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

- Vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng người dân mua căn hộ tòa nhà đó đang gặp một số vướng mắc về việc sở hữu tòa nhà của mình. VAMC có ý kiến thế nào về phản hồi này?

Ông Nguyễn Tiến Đông: Trước hết tài sản của tòa nhà đó có nhiều công năng, trong đó có các công năng có cấu phần nhà ở, cũng có thể chủ đầu tư có thể mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu căn hộ trong tương lai. Những quyền mà sở hữu căn hộ đó trong tương lai mà chưa thế chấp ngân hàng, quyền đó vẫn thực hiện bình thường theo quy định pháp luật.

Trường hợp thế chấp ngân hàng mà bán chuyển đổi cho chủ khác thì lại thực hiện đúng thủ tục theo quy định pháp luật, lúc đó có sự phân xử rất rõ trách nhiệm các bên để đảm bảo. Trước hết về phía VAMC đảm bảo quyền lợi các chủ nợ là các ngân hàng, đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của người dân nếu tham gia mua căn hộ đó nhưng với điều kiện các quyền được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Tiến Đông chia sẻ về việc thu hồi Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C để xử lý nợ xấu.

- Hiện nay tại VAMC có nhiều tài sản đảm bảo khác mà công ty đang quản lý. Với Nghị quyết 42 của Quốc hội định hướng xử lý tài sản đảm bảo này như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Đông: Vừa qua chúng tôi có tổ chức phân loại đánh giá chi tiết đến các khoản nợ có giá trị lớn từ 30 tỷ đồng trở lên với mấy nghìn khoản nợ, chiếm gần 70% tổng giá trị mua nợ đang quản lý tại VAMC. Như vậy, chúng tôi tổ chức phân lạo đánh giá và đưa ra phương án xử lý đối với từng khoản nợ.

Riêng đối với khoản nợ và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó VAMC sẽ lựa chọn một số tổ chức đứng ra đấu giá khoản nợ hoặc là thu giữ đấu giá tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.

Ngoài ra, VAMC ủy quyền cho các tổ chức tín dụng chủ động, còn VAMC với vai trò được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao cho nhiệm vụ này, phối hợp hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hiện các bước xử lý để làm theo đúng tinh thần của Nghị quyết 42, chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc giải quyết nhanh dứt điểm nợ xấu tạo nguồn lực mới đầu tư vào nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục