Dự án sân bay Long Thành: Cần cơ chế đặc thù cho việc đền bù

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ cần có nghị định riêng về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án sân bay Long Thành: Cần cơ chế đặc thù cho việc đền bù ảnh 1Phối cảnh sân bay Long Thành.

Về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, Chính phủ cần có nghị định riêng, chứ không dừng lại ở một quyết định của Thủ tướng.

Tạm ứng vốn ngân sách

Phát biểu tại tọa đàm “Cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành” do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và báo Lao Động phối hợp tổ chức sáng nay (30/10) tại Hà Nội, ông Lịch cho biết, đất tại Long Thành bao gồm nhiều loại như: đất lâm trường, nông nghiệp, đất ở…

Bên cạnh đó, theo lộ trình, việc xây dựng hết 5.000ha đất sẽ phải kéo dài hàng chục năm, trải qua hai giai đoạn. Từ đó, ông Trần Du Lịch đặt ra vấn đề: Lộ trình thực thi và việc lấy đất, đền bù cho người dân cần được tính toán thực hiện như thế nào để không gây lãng phí?

“Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng của ta dường như chỉ khuyến khích đầu cơ đất, ‘tiền trao, cháo múc.’ Vì thế, khi giải phóng mặt bằng cần hỗ trợ cho người dân tại đó chứ không phải hỗ trợ người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Long Thành mua đất. Việc này phải phân biệt rõ ràng,” ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia kiến nghị tạm ứng vốn ngân sách cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng  dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Nếu ngân sách không đáp ứng được dòng tiền mà dự án yêu cầu thì phải nghĩ tới một cách huy động vốn khác theo kiểu nhà nước và nhân dân cùng làm,” ông Phước bày tỏ.

Từ đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất phát hành một loại trái phiếu mà gần 5.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng từ dự án sẽ mua.

Lý giải về thu xếp vốn, ôngTrần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, vốn cho giải phóng mặt bằng nằm trong tổng vốn đầu tư của dự án.

Trong lúc này, nếu phải giải phóng mặt bằng ngay thì tỉnh Đồng Nai phải làm việc với các bộ, ngành để ứng vốn trước. Sau khi thực hiện quyết toán thì nguồn vốn sẽ được phân bổ lại. Tỉnh Đồng Nai đang thực hiện theo các công việc hàng năm và đưa ra lộ trình ứng vốn.

Dự án sân bay Long Thành: Cần cơ chế đặc thù cho việc đền bù ảnh 2Phối cảnh sân bay Long Thành.

Chú trọng vấn đề việc làm cho người dân tái định cư

Theo quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã được Thủ tướng phê duyệt, tổng diện tích dự án khoảng 5.000ha, nằm trên địa phận 6 xã của huyện Long Thành, bao gồm: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn, Long An, Long Phước. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là trên 4.700 hộ với gần 15.000 nhân khẩu.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt quy hoạch hai khu tái định cư gồm khu Lộc An-Bình Sơn (diện tích 282,35 ha), khu Bình Sơn (diện tích 282,3 ha) và khu nghĩa trang Bình An 50 ha để bố trí, ổn định cuộc sống của các hộ dân thuộc diện giải tỏa.

Ông Đặng Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư khoảng 5.390 tỷ đồng. Chính sách bồi thường, tái định cư, ổn định cuộc sống người dân cần một cơ chế đặc thù.

Theo tính toán của tỉnh Đồng Nai, kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng hạ tầng khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn cần 4,5 năm. Tuy nhiên, do dự án cấp bách, nếu áp dụng phương thức chỉ định thầu thì chỉ cần thời gian khoảng 3 năm để hoàn thành giải phóng mặt bằng bước 1.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Vĩnh, cho hay, để có đất cho dự án, điều quan trọng là làm sao để người dân trong vùng dự án được bố trí tái định cư, ổn định việc làm, có cuộc sống đảm bảo. Trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm tới vấn đề việc làm cho người dân sau khi tái định cư.

“Chúng tôi đã làm việc với các trường dạy nghề, các nhà đầu tư trong vùng nhằm tìm hiểu nhu cầu lao động để hỗ trợ dạy nghề cho người dân. Việc này được thực hiện theo ba giai đoạn: giai đoạn giải phóng mặt bằng (đến năm 2018) sẽ tổ chức dạy nghề gì? Trong giai đoạn thi công dự án, người dân có thể làm được công việc gì? Khi dự án được đưa vào khai thác, chúng tôi sẽ làm việc với ngành hàng không để hướng nghiệp cho con em người dân trong vùng,” ông Trần Văn Vĩnh bày tỏ./.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 336.763 tỷ đồng (tương đương 16,036 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.569 tỷ đồng (tương đương 5,456 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn cổ phần hóa, vốn đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025.

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 02, cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm, 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. 

Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm, 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục