Dự án sân bay Long Thành: Không làm sẽ mất lợi thế về kinh tế

Đa số các ý kiến của đại biểu quốc hội đều khẳng định, việc xây dựng sân bay Long Thành là một chủ trương đầu tư đúng đắn, khi đi vào sử dụng sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế.
Dự án sân bay Long Thành: Không làm sẽ mất lợi thế về kinh tế ảnh 1Đại biểu Nguyễn Đức Kiên trao đổi với báo chí về dự án sân bay Long Thành (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sáng nay (4/6), Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án sân bay Long Thành, đa số các ý kiến đưa ra đều khẳng định, đây là một chủ trương đầu tư đúng đắn, khi đi vào sử dụng sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế.

Để có cách nhìn tổng quan, VietnamPlus xin tổng hợp lại một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự án này.

Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việc đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết, đã có một quá trình chuẩn bị và thời gian để hoàn thành rất dài.

Vị trí của Long Thành thuận lợi về nhiều mặt, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư, trong đó trục lộ giao thông chính cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây vừa đưa vào khai thác.

Việc đầu tư giai đoạn 1 của Dự án sẽ giúp giảm tải cho Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến đến năm 2025 giai đoạn 1 của Dự án mới hoàn thành, đưa vào khai thác, khi đó Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải , do vậy, việc tiến hành đầu tư tại thời điểm này là phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), nhiều ý kiến cho rằng xây dựng Long Thành sẽ lãng phí, nhưng theo tôi nếu không xây thì sẽ mất lợi thế về kinh tế. Vấn đề là phải tính đến hiệu quả khi triển khai, tính toán sát với thực tiễn để không bị đội giá thành.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng), Trước hết, chúng ta chưa có báo cáo khả thi của dự án nên khả năng thu xếp vốn chưa có căn cứ để bàn bạc. Lần này Quốc hội thông qua báo cáo tiền khả thi, nên những đơn giá, rồi mức tính toán chúng ta vẫn dựa trên khái toán.

Vấn đề kinh tế đắt, rẻ ra sao thì phải đợi. Như các cơ quan chuyên môn nói, phải sau 2 năm nữa mới có được báo cáo khả thi và trong báo cáo đó sẽ trả lời hết các vấn đề mà cử tri quan tâm về hiệu quả đầu tư, huy động vốn; tỷ lệ phân bổ vốn ngân sách Nhà nước, vốn tư nhân, vốn nước ngoài…

Đừng đặt vấn đề đầu tư Long Thành mới đi vay, mà trước nay đầu tư vào cơ sở hạ tầng chúng ta cũng đều phải đi vay, 70% công trình cơ sở hạ tầng hiện nay là đi vay, chỉ 30% là vốn nhà Nước.

Đơn cử như sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất, đầu tư mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, hàng loạt dự án đường quốc lộ, rồi cao tốc…. cũng đều phải đi vay để đầu tư xây dựng do chúng ta không có tiền. Chúng ta chỉ có “đường rộng thênh thang 8 thước”, nên muốn có cơ sở hạ tầng mới, đồng bộ thì buộc phải đi vay rồi tằn tiện trả nợ.

Người ta nói sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đạt 25 triệu lượt khách/năm, và bây giờ chúng ta còn đang sửa nhà ga T2 để nâng lên 13 triệu khách quốc tế/năm. Như vậy để thấy rằng trong một thời gian ngắn khoảng 5-7 năm tới, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đáp ứng được yêu cầu của đất nước.

Nhưng chúng ta cũng phải biết rằng, với thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất, của đường cất cánh, lăn và hạ cánh như hiện giờ thì không đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật đối với những loại tàu bay lớn, hiện đại như Airbus 380, Boeing 787… và như thế buộc chúng ta lại phải nâng cấp. Nếu như vậy thì Tân Sơn Nhất luôn luôn trong tình trạng chắp vá, mà trong lúc đó, xu thế chung của thế giới người ta lưu ý đến việc cư dân của khu vực xung quanh sân bay…

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải về không lưu, không đơn thuần chỉ là quá tải nhà ga bởi nhiều khi máy bay phải bay chờ đến vài chục phút mới có thể hạ cánh.

Hơn nữa, sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động quá gần khu dân cư, với việc khai thác như hiện nay người dân tại khu vực này sẽ không thể chịu đựng được hơn về tiếng ồn. Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất đang trong vùng lõm, nếu cứ chắp vá để có một sân bay tầm cỡ khu vực là điều quá bất cập.

Cho nên cần phải có một sân bay tầm cỡ như Long Thành là vấn đề không cần phải bàn cãi. Quan trọng nhất hiện nay là làm bằng cách nào, xây dựng bằng nguồn vốn ra sao và tính hiệu quả đến đâu để phân kỳ đầu tư cho phù hợp.

Theo báo cáo của Chính phủ: Dự án sân bay Long Thành dự kiến phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 1 đường hạ cất cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn này dự kiến là 5,2 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2018 - 2025.

Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm; 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2030 - 2035.

Giai đoạn 3, hoàn thành mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm; 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6,6 tỷ USD, triển khai trong giai đoạn 2024 - 2050.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục