Dự báo một số nội dung chính trong báo cáo ngân sách 2017 của Anh

Nền kinh tế Xứ sở sương mù vẫn đối mặt với sự bất ổn không nhỏ trong bối cảnh chính phủ nước này đang rục rịch chuẩn bị cho việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình Brexit.
Dự báo một số nội dung chính trong báo cáo ngân sách 2017 của Anh ảnh 1Hàng hóa được bày bán tại một khu chợ ở London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bài phát biểu về Ngân sách mùa Xuân ngày 8/3 của Bộ trưởng Tài chính Anh, Philip Hammond diễn ra vào thời điểm khá thuận lợi, khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Anh trong năm 2017 và kinh tế Anh có sự phục hồi nhanh chóng kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016.

Bài phát biểu đang rất được chờ đợi, bởi nền kinh tế Xứ sở sương mù vẫn đối mặt với sự bất ổn không nhỏ, trong bối cảnh chính phủ nước này đang rục rịch chuẩn bị cho việc kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU).

Đây là lần công bố Ngân sách mùa Xuân đầu tiên của Bộ trưởng Hammond và cũng là cuối cùng của ông, bởi chính phủ đã quyết định dời thời điểm công bố ngân sách hàng năm từ mùa Xuân sang mùa Thu.

Bộ trưởng Tài chính Hammond sẽ có bài phát biểu về Ngân sách 2017 tại Hạ viện Anh vào lúc 19 giờ 30 (giờ Việt Nam) ngày 8/3.

Báo chí Anh đã tổng kết một số nội dung chính mà ông Hammond sẽ đề cập khi công bố n gân sách năm 2017.

Điểm thứ nhất mà báo chí đề cập là kinh tế Anh trong nửa cuối năm 2016 và từ đầu năm 2017 tới nay tăng trưởng khả quan hơn dự báo của Văn phòng Ngân sách (OBR).

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 dự đoán sẽ được điều chỉnh khá mạnh, từ 1,4% lên xấp xỉ 2%. Tuy nhiên, dự báo này có thể sẽ đi kèm với cảnh báo rằng nhịp độ tăng trưởng có thể chậm lại, trong bối cảnh tài chính của các hộ gia đình không còn "rủng rỉnh" như trước do ảnh hưởng của lạm phát tăng.

Điểm thứ hai là về tình hình tài chính công. Nguồn thu thuế trong tài khóa 2016-2017 cao hơn thời điểm công bố Báo cáo mùa Thu, theo đó mức thâm hụt có thể sẽ thấp hơn khoảng 12 tỷ bảng so với hồi tháng 11/2016. Tuy vậy, OBR có thể đưa ra nhận định rằng sự cải thiện về tài chính công trong trung hạn sẽ bị hạn chế.

Chính phủ cũng có thể sẽ dành ra một quỹ lớn hơn, ước tính lên tới 60 tỷ bảng, để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn Brexit. Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý rằng khoản chi ngân sách này tăng lên cũng đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ cắt giảm các khoản chi khác hoặc có thể tăng thuế.

Thuế mặt bằng, vốn được gọi là “cơn ác mộng” của các doanh nghiệp tại London, là nội dung thứ ba. Bộ trưởng Hammond đang chịu sức ép lớn trong việc phải giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp tại London và vùng Đông Nam nước Anh, vào thời điểm thuế mặt bằng sẽ tăng từ tháng Tư tới, bắt nguồn từ vấn đề định giá lại bất động sản ở Anh.

Thuế mặt bằng hiện là một trong những nguồn thu từ thuế lớn nhất, mang lại xấp xỉ 29 tỷ bảng cho Bộ Tài chính Anh trong năm 2016.

Nội dung thứ tư là nguồn tài chính cho chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội cho người già và nhóm người dễ bị tổn thương. Các địa phương hiện chủ yếu sử dụng giải pháp tăng thật mạnh thuế hội đồng để lấy nguồn tài chính cho hoạt động chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội.

Bộ trưởng Hammond có thể sẽ công bố xây dựng một quỹ khẩn cấp để giải quyết vấn đề này tại một số khu vực. Dự kiến, ông sẽ công bố một loạt điểm đánh giá chính nhằm tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề ngân sách cho y tế và phúc lợi xã hội.

Ngoài ra, ông Hammond được chờ đợi sẽ công bố một số kế hoạch mới để giúp nước Anh thích nghi trong bối cảnh Brexit./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục