Du lịch Việt Nam khởi sắc phát lộ ra những “lỗ hổng” về luật

2016, một năm chứng kiến nhiều kỷ lục của ngành du lịch, song vẫn còn đó nhiều bất cập chưa thể khắc phục do những hệ lụy từ việc phát triển các hình thức kinh doanh mới… mà chưa có chế tài quản lý.
Du lịch Việt Nam khởi sắc phát lộ ra những “lỗ hổng” về luật ảnh 1Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Kiên Giang chúc mừng các vị khách quốc tế đến đảo Phú Quốc. (Nguồn: TTXVN)

Những con số tổng kết chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch Việt Nam như: hơn 10 triệu lượng khách quốc tế đến Việt Nam, 62 triệu khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng… đã cho thấy 2016 là năm khởi sắc của ngành.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều bất cập chưa thể khắc phục do những hệ lụy từ việc phát triển các hình thức kinh doanh, loại hình du lịch mới… mà thực tế chưa có bất kỳ quy định hay chế tài hướng dẫn quản lý nào, dẫn đến cơ quan quản lý không có cách gì kiểm soát.

“Ngôi sao” mới nổi Đông Bắc Á

Về “bức tranh” thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, trong cuộc họp tổng kết ngành cuối năm, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết: “Khách đến từ khu vực Đông Bắc Á tiếp tục chiếm thị phần lớn. Ba thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục dẫn đầu và năm nay tốc độ tăng trưởng của ba thị trường này lên tới 30%, và có mức chi tiêu rất cao.”

Theo chuyên gia của Vụ Hợp tác Quốc tế, trong những năm qua, làn sóng đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam rất cao, kéo theo đó là các nhóm khách hàng, người thân, bạn bè… của những nhà đầu tư này đến Việt Nam tăng vọt.

Đặc biệt, nhóm khách cao tuổi và học sinh, sinh viên từ Nhật Bản tăng cao. Thời gian lưu trú của dòng khách này ngày càng lâu hơn, sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm du lịch hơn cũng như chi tiêu mạnh tay hơn.

Đặc biệt, trong năm qua, khách từ thị trường Trung Quốc có rất nhiều chuyến bay thuê bao đến Việt Nam, thăm quan Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, chứ không chỉ là khách đường bộ đi qua biên giới có mức chi tiêu thấp như trước.

Du lịch Việt Nam khởi sắc phát lộ ra những “lỗ hổng” về luật ảnh 2Sinh viên nước ngoài trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Bản Bước, Mai Châu. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, từ năm 2014, số lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đã vượt quá 100 triệu người, năm 2015 đạt 120 triệu và con số này sẽ còn tiếp tục tăng do thu nhập, dân số và tình hình ô nhiễm môi trường cũng như xu hướng sử dụng thu nhập của người Trung Quốc thay đổi.

Theo dự báo đến năm 2030, lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài sẽ đạt 220 triệu người (tăng thêm 100 triệu người so với năm 2015).

“Trên thế giới hiện nay không có quốc gia nào phát triển du lịch lại không quan tâm tới thị trường Trung Quốc. Mặc dù thị trường này cũng có những đặc điểm và hệ lụy riêng cùng khía cạnh phức tạp, nhưng bất chấp tất cả những tác động đó, các nước đều quan tâm thu hút khách Trung Quốc,” ông Tuấn nhận định.

Khách Tây Âu tăng trưởng ấn tượng

Nếu khách từ Đông Bắc Á được coi là thị trường mới nổi đối với du lịch Việt Nam thì khách châu Âu, trong đó có 5 quốc gia Tây Âu Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương từ tháng 7/2015 và năm 2016 tiếp tục gia hạn, đều tăng trưởng rất mạnh.

Riêng trong 10 tháng năm 2016, tổng lượng khách từ 5 nước này đã đạt khoảng 635.000 lượt, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó mức tăng ấn tượng như thị trường Italy tăng 30%, Tây Ban Nha tăng 27%, Anh quốc tăng 22%, Đức tăng 19%, Pháp tăng 13%.

(Biểu đồ: Mức tăng trưởng lượng khách Tây Âu đến Việt Nam năm 2016)

Nga là thị trường khách lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu cũng có mức tăng trưởng tới 27%. Bên cạnh đó, Hà Lan tăng 24%, Thụy Điển 22%. Thực tế, những thị trường xa có mức tăng trưởng trên 20% đã được đánh giá là rất ấn tượng.

Nhóm thị trường khu vực khác cũng rất quan trọng đối với du lịch Việt Nam là thị trường Đông Bắc Á-Châu Đại Dương (bao gồm Australia, New Zealand) cũng có mức tăng trưởng lớn. Thậm chí, Thái Lan sau khi sụt giảm năm 2015 thì tới năm nay lượng khách không chỉ phục hồi mà còn tăng 31%, New Zealand tăng tới 35%.

Như vậy, hầu hết các nhóm thị trường khách đều tăng trưởng ở mức cao chứ không chỉ có Đông Bắc Á.

“Lỗ hổng” của Luật Du lịch

Nhìn vào những con số tổng kết trên, có thể nhiều người sẽ cho rằng ngành du lịch Việt đang trải qua gia đoạn khởi sắc. Song thực tế, vẫn còn đó nhiều bất cập chưa được giải quyết.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho cho rằng, vấn đề mà ngành du lịch đang phải đối mặt là việc quản lý các loại hình kinh doanh, các sản phẩm du lịch mang tính tự phát, vấn đề trốn thuế của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đăng ký ở Việt Nam.

“Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, việc bán các sản phẩm du lịch online trở nên thuận tiện hơn và nhiều trang mạng thành công với cách thức này. Nhiều trang mạng đạt doanh thu lớn, không chỉ nhờ bán sản phẩm du lịch mà còn nhiều khoản thu từ các dịch vụ gia tăng khác.”

Vậy là, các doanh nghiệp nước ngoài tha hồ lợi dụng lỗ hổng này của Luật Du lịch Việt Nam hiện hành để phát triển nở rộ và thu lời khủng mà ung dung không phải chịu thuế.

Theo ông Siêu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đề nghị ngành Thuế và các cơ quan chức năng vào cuộc và cho biết sẽ ngành du lịch sẽ phối hợp để giải quyết tốt vấn đề này.

Đặc biệt, thời gian qua chứng kiến sự “bùng nổ” của một số loại hình du lịch mới như du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Mặc dù được các cơ quan quản lý khuyến khích phát triển, nhưng vấn đề ở đây là, có một số loại hình phát triển tự phát, một số loại hình lại do các công ty du lịch sáng tạo như du lịch gắn với đặc thù địa hình, khí hậu, môi trường…

Trong khi, những loại hình du lịch mới này chưa có bất kỳ quy định, chế tài hướng dẫn quản lý nào, nên cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát, dẫn đến việc xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc cho du khách.

Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Luật Du lịch sửa đổi đang được trình lên Quốc hội đã đề cập đến vấn đề này, trong đó có nêu rõ vai trò quản lý cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Cùng hy vọng với những sửa đổi, bổ sung kịp thời của Luật Du lịch sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ có thêm công cụ để giám sát và quản lý các hoạt động du lịch hiệu quả hơn./.

Ông Hà Văn Siêu nói về các doanh nghiệp trốn thuế.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục