Dư luận về kết quả của hội nghị biến đổi khí hậu

Kết quả hội nghị chống biến đổi khí hậu tạo nên các luồng dư luận trái chiều, trong đó tâm lý thất vọng bao trùm và phổ biến.
Kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch vẫn tiếp tục tạo nên các luồng dư luận trái chiều, trong đó tâm lý thất vọng bao trùm và phổ biến hơn là lạc quan.

Điều này cho thấy hội nghị dù đã đi đến một số kết quả nhất định, nhưng chưa nhiều và những kỳ vọng của cộng đồng thế giới về việc hội nghị sẽ nhất trí được về một công cụ hiệu quả và đầy đủ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vẫn chưa thành hiện thực.

Một số nước như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Australia đã hoan nghênh thỏa thuận tạm thời về chống biến đổi khí hậu đạt được sau hội nghị. Gọi đây là thỏa thuận tạm thời, vì đó là một thỏa thuận chính trị, không mang tính ràng buộc pháp lý, được gọi là "Hiệp ước Copenhagen" do một nhóm nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc đưa ra, nhằm đối phó với tình trạng ấm lên của Trái Đất.

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết Indonesia hoan nghênh việc thông qua Hiệp ước Copenhagen. Ông nói rằng mặc dù phái đoàn Indonesia tại hội nghị này "không hài lòng" với nhiều vấn đề, song chính phủ Indonesia cảm thấy "một chút thỏa mãn" vì đề xuất của nước này về một số điểm đã được chấp nhận và nêu trong hiệp ước nói trên.

Thủ tướng Australia Kevin Rudd cũng tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Hội nghị Copenhagen nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Ông cho rằng dù đã có bước tiến quan trọng, nhưng trước mắt còn nhiều việc phải làm. Ông nhấn mạnh đây là một thoả thuận khí hậu mang tính toàn cầu có ý nghĩa nhất trong hành động đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu và Australia sẽ tích cực tham gia thỏa thuận này.

Tuy nhiên, dư luận nhiều nước đang phát triển cũng như báo chí, đặc biệt báo chí các nước phương Tây, đã bày tỏ phản ứng và thất vọng về kết quả hội nghị.

Chủ tịch Hội đồng Nghị viện châu Âu (APCE) Luis Maria de Puig đã ra thông cáo tại Strasbourg ngày 20/12 cho rằng tuyên bố chính trị của Hội nghị Copenhagen thiếu "tham vọng" và không thể hiện sự "đoàn kết" và ''minh bạch".

Cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro cho rằng thỏa thuận về khí hậu đạt được tại Hội nghị Copenhagen là "không dân chủ". Ông Fidel Castro chỉ trích thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, trong đó yêu cầu các cường quốc phát thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính phải cam kết cắt giảm khí thải nhiều hơn, trong khi lại không có yêu cầu nào đối với Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Bolivia Evo Morales cùng ngày cho biết ông sẽ tổ chức một hội nghị khí hậu khác, đồng thời hối thúc thế giới phản đối thất bại của Hội nghị Copenhagen.

Các nguồn tin cho biết nhiều nước nghèo phản ứng vì cho rằng họ đã "bị gạt sang bên lề" tại Hội nghị Copenhagen và rằng bản tuyên bố chính trị kết thúc hội nghị đã được thương lượng một cách bí mật, trái ngược hoàn toàn với thông lệ quốc tế. Có nhiều bình luận cho rằng Hội nghị Copenhagen đã làm bộc lộ rõ thêm sự phân hóa giữa các nước đang phát triển và các nước công nghiệp phát triển.

Trong buổi thảo luận đêm 18/12, một đại biểu Sudan đã so sánh thỏa thuận ở Copenhagen như là một “cuộc diệt chủng Đức quốc xã” đối với châu Phi. Nhiều đại biểu châu Âu thậm chí còn thể hiện sự phẫn nộ.

Bản tuyên bố đã được đề nghị sau các cuộc thảo luận giữa 28 quốc gia công nghiệp phát triển và các nước đang trỗi dậy, hay nói đúng hơn là sau các cuộc mặc cả giữa Mỹ và một số quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Ngay cả Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bị gạt ra khỏi các cuộc thương lượng giờ chót, và vì vậy họ chỉ ủng hộ thỏa thuận một cách miễn cưỡng. Thủ tướng Đức Angela Merkel coi việc cân nhắc ủng hộ cho hiệp ước là “một quyết định khó khăn”.

Nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới số ra ngày 20/12 như Điện tín Chủ nhật và Thời báo Chủ nhật của Anh, Thời báo Washington (Mỹ), Thế giới (Tây Ban Nha) hay các nhật báo lớn của nước chủ nhà Đan Mạch như Berlingske Tidende và Jyllands-Posten đều phản đối thỏa thuận của hội nghị cũng như cách thức đi đến thỏa thuận này.

Trước đó, ngay sau khi bế mạc Hội nghị Copenhagen, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon thừa nhận văn kiện này không đáp ứng kỳ vọng của các nước, song cho rằng Hiệp ước Copenhagen là "sự khởi đầu cần thiết" trước khi đưa ra một hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý sớm nhất có thể trong năm 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục