Dự nợ trái phiếu Chính phủ đạt 678.600 tỷ đồng, bằng 15,76% GDP

“Hạn chế lớn nhất của thị trường trái phiếu Việt Nam đó là sự nghèo nàn về sản phẩm, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.”
Dự nợ trái phiếu Chính phủ đạt 678.600 tỷ đồng, bằng 15,76% GDP ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Hạn chế lớn nhất của thị trường trái phiếu Việt Nam đó là sự nghèo nàn về sản phẩm, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư,” đó là những ý kiến thẳng thắng của ông Phạm Hùng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu, khi nói về thực trạng phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam.

Thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro

Năm 2015, thị trường trái phiếu Việt Nam đã đánh dấu những kết quả khả quan. Theo Báo cáo từ Hiệp hội Trái phiếu, dư nợ toàn thị trường trái phiếu dạt 994.500 tỷ đồng, trong đó dự nợ trái phiếu Chính phủ đạt 678.600 tỷ đồng, bằng 15,76% GDP (năm 2014 là 13,84% GDP).

Tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 255.000 tỷ đồng (tăng 9%). Bên cạnh sự tăng trưởng ấn tượng về quy mô, thì thị trường cũng đã có những chuyển dịch về cơ cấu kỳ hạn (bình quân đạt 7,1 năm, tăng 2,15 năm so với năm 2014).

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, thị trường hiện còn thiếu hụt các công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như phương tiện kinh doanh trong xu hướng lãi suất tăng lên (như: bán khống, trái phiếu Chính phủ lãi suất thả nổi, sản phẩm phái sinh từ trái phiếu…).

Một yếu tố khác cũng được ông Hiệp chỉ ra, đó là nền tảng nhà đầu tư trên thị trường chưa đa dạng hóa, khi mà khối ngân hàng thương mại vẫn chiếm tỷ trọng trên 80%. Điều này khiến cho diễn biến thị trường trái phiếu Chính phủ phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng.

“Nhà đầu tư chủ đạo trên thị trường là các ngân hàng thương mại, chủ yếu có nguồn vốn ngắn hạn, do đó việc cân đối để đầu tư trái phiếu tại các kỳ hạn dài là hết sức khó khăn. Hơn nữa, tình hình tăng trưởng tín dụng đột biến và những biến động bất thường trên thị trường ngoại hối trong giai đoạn đầu năm đã khiến thị trường trở nên trầm lắng trong các quý 2 và 3 của năm 2015,” ông Hiệp dẫn chứng.

Trái phiếu doanh nghiệp: Sơ khai

Trước những vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý, một số thành viên trên thị trường đã đề xuất những giải pháp chính sách. Khối đầu tư nước ngoài cho rằng một trong những rào cản đối với họ là mức thuế cao 10% trên lãi coupon và 0,1% trên mỗi giao dịch bán. Do đó, kiến nghị đưa ra là thuế phí cần linh hoạt hơn.

Hay, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng mong muốn được tháo gỡ chính sách về giới hạn đầu tư, cụ thể là xem xét điều chỉnh nâng giới hạn tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Chính Phủ (theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN hiện là 15%).

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Hiệp cho rằng, hiện giờ còn rất sơ khai và manh múm. Thông tin về tổ chức phát hành, các đợt phát hành chưa đạt được tính công khai, minh bạch. Thêm vào đó, các quy định phát luật về trái phiếu doanh nghiệp còn sơ sài, chưa có hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách cho các tổ chức phát hành cũng như nhà đầu tư. Vì vậy, tỷ trọng dung lượng trái phiếu doanh nghiệp trên GDP chỉ ở các mức rất khiêm tốn.

Theo bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần phải xây dựng một cơ chế chính sách khuyến khích các công ty đưa trái phiếu lên niêm yết tại các sở chứng khoán (như đơn giản hóa thủ tục niêm yết, nới lỏng điều kiện về cơ cấu sở hữu trái chủ, giảm mệnh giá trái phiếu…)

Ngoài ra, bà Đào cho rằng cần có cơ chế giao dịch riêng đối với trái phiếu công ty, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân đồng thời khuyến khích các quỹ và tổ chức tài chính tham gia vào thị trường này. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh việc thành lập các tổ chức tín nhiệm, khuyên khích các tổ chức nước ngoài thành lập hoặc tham gia thành lập công ty định mức tín nhiệm tại Việt Nam.

Chủ tịch Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng cho biết, theo kế hoạch triển khai thị trường năm 2016, cơ quan này sẽ thực hiện sửa đổi hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hành lang pháp lý với từng loại thành viên thị trường (như công ty định mức tín nhiệm, doanh nghiệp pháp hành nhà đầu tư…). Thêm vào đó, Ủy ban cũng xây dựng chính sách thuế phí linh hoạt hơn nhằm tăng mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong năm nay, Ủy ban tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm trái phiếu mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp nhu cầu đầu tư của nhiều đối tượng, như trái phiếu lãi suất thả nổi, lãi suất gắn với lạm phát, zero-coupon, trái phiếu lãi suất coupon phi chuẩn…,” ông Bằng cho nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục