"Dù tăng trưởng chậm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm phát triển"

Tăng trưởng có khả năng chậm nhưng trong những dự báo mới nhất, HSBC vẫn xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực.
"Dù tăng trưởng chậm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm phát triển" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo triển vọng Kinh tế Việt Nam tháng 4 với tiêu đề "Cơ hội trong những thách thức". Trong đó, chuyên gia HSBC hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của năm 2016 từ 6,7% xuống còn 6,3% và năm 2017 từ 6,8% xuống 6,6%.

Theo đánh giá của đơn vị này, mức tăng trưởng quý 1 đạt 5,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều kỳ vọng trước đây và các biện pháp thắt chặt hành chính vừa được đề xuất sẽ kiềm chế tăng trưởng tín dụng, dẫn đến lượng đầu tư bị hạn chế so với năm 2015.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do tác động của El Nino khiến cho sản lượng các ngành chính suy giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất ghi nhận được trong những năm gần đây và phản ánh tác động của El Nino liên quan đến gián đoạn nguồn cung.

Theo đó, HSBC cho rằng quá trình tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ bị hoãn lại đến quý 3/2017, nguyên nhân là do triển vọng tăng trưởng suy yếu cùng với quỹ đạo giá năng lượng ổn định đồng nghĩa với lạm phát sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong năm 2016.

“Vì vậy, chúng tôi đã lùi thời điểm dự báo tăng mức lãi suất thêm 12 tháng, tức là vào quý 3/2017. Do đó, cơ hội nới lỏng tiền tệ khá hạn chế bởi vì áp lực lên những cân bằng bên ngoài của Việt Nam và nguy cơ lạm phát cao hơn vào năm 2017,” nhóm nghiên cứu HSBC nhấn mạnh.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, tăng trưởng trong ngành bất động sản và dịch vụ tài chính cũng không có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Trong tháng 2, Ngân hàng Nhà nước ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 36, đặt thêm nhiều điều luật mới nhằm củng cố quá trình quản lý rủi ro trong hoạt động cho vay.

Những đề xuất sửa đổi bao gồm giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn từ 60% xuống 40%​. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nâng hệ số rủi ro tín dụng của các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán từ 150% lên 250%.

Các chuyên gia HSBC phân tích, kiềm chế cho vay bất động sản và tập trung vào chất lượng tín dụng giúp ngăn chặn những rủi ro mới trong ngành ngân hàng. HSBC ủng hộ phương thức thận trọng này của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống đã được cải thiện, từ xấp xỷ 5% trong tháng 9/2012 xuống 2,5% trong tháng 12/2015. Điều này chủ yếu đạt được nhờ chuyển các khoản cho vay từ các ngân hàng sang Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

"Dù tăng trưởng chậm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm phát triển" ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cũng tại báo cáo này, chuyên gia HSBC phân tích, nhu cầu trong nước chậm lại là tín hiệu tích cực cho tài khoản vãng lai. Triển vọng về nhu cầu nội địa ổn định hơn cũng ẩn ý thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2016 và 2017 sẽ được thu hẹp lại.

Cùng với nguồn FDI thu vào mạnh mẽ và nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài có khả năng chậm lại sẽ giúp giữ cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam trong năm 2016 tiếp tục thặng dư, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tăng cường nguồn dự trữ ngoại hối đang thật sự cần thiết.

“Tăng trưởng có khả năng chậm lại nhưng trong những dự báo mới nhất, chúng tôi vẫn xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực. Nhu cầu trong nước tuy chậm lại như năm 2015 nhưng vẫn mạnh mẽ và xuất khẩu của Việt Nam vẫn được kỳ vọng tiếp tục chiếm lĩnh thị phần toàn cầu, đảm bảo mức tăng trưởng trung hạn vững chắc," chuyên gia HSBC nhấn mạnh.

Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng có thể còn quá sớm để khẳng định, nhưng những động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy trọng tâm đang quay trở lại với ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tiếp cận thận trọng sẽ được đền đáp xứng đáng do chính sách này đảm bảo quá trình khôi phục nền kinh tế bền vững hơn và tạo điều kiện cho các cấp chính quyền thực hiện cải cách sâu rộng hơn vốn rất cần thiết để xây dựng một nền tảng vững chắc cho quá trình tăng trưởng dài hạn của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục