Dự thảo Hiến pháp cần làm rõ bản chất nền kinh tế

Thảo luận tại buổi họp tổ, các đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần quy định rõ bản chất của nền kinh tế.
Vấn đề cần quy định rõ bản chất của nền kinh tế trong Điều 54 với 3 phương án đưa ra về các thành phần kinh tế của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội bàn luận tại buổi họp tổ ngày 27/5.

Về thành phần kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 54, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đồng ý với phương án 1 trong dự thảo là “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.”

Theo đại biểu Quyết Tâm, phương án này phù hợp với cương lĩnh đường lối của Đảng và kết luận Hội nghị Trung ương 5 về định hướng xây dựng và sửa đổi Hiến pháp.

Đại biểu Quyết Tâm cho rằng, nếu như chúng ta xây dựng nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa thì không có lý do gì mà trong Hiến pháp lại không nói rõ bản chất nền kinh tế.

Cũng theo đại biểu này, việc chọn phương án 1 là phù hợp cũng vì điều đó đã khẳng định vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước. Nếu xây dựng nền kinh tế định hướng thị trường mà không nói rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước thì rất khó triển khai thực hiện. Việc nói rõ vấn đề này trong Hiến pháp sẽ không làm cản trở nền kinh tế đất nước, thu hút đầu tư và ra nhập WTO.

“Nói như vậy để thấy sự chủ động và định hướng điều hành đất nước theo định hướng phát triển toàn dân, không tạo ra mơ hồ và hoặc là Hiến pháp quy định không rõ ràng thì sau này về chính sách, về chủ trương rất khó. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, chúng ta phải mở mang và hội nhập và có thể nền kinh tế tư nhân là động lực nền kinh tế; kinh tế nước ngoài phải được khuyến khích phát triển và không có sự ràng buộc đối với việc thu hút đầu tư hay là tạo điều kiện cho nền kinh tế tư nhân phát triển,” đại biểu Quyết Tâm nói.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Trương Thị Ánh cùng đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không được củng cố phát triển thì kinh tế tập thể phải được hiến định trong Hiến pháp vì nó chính là yếu tố của quá trình phát triển. Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể phải được khẳng định bản chất và vai trò của nó trong nền kinh tế.

Còn đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) lại nhất trí với phương án 2 là “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì đại biểu cho rằng, các phương án khác không nói rõ đến thành phần kinh tế.

Theo đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (đoàn Hải Phòng), nên tổng kết quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa để có quy định tại Điều 54 trong Hiến pháp phù hợp.

Dự thảo quy định về kinh tế thị trường vẫn còn chung chung, cần có định nghĩa cụ thể. Chẳng hạn như đối với phương án 3 là “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.” Dự thảo lấy ý kiến nhân dân, phương án này chưa thực sự rõ ràng và đại biểu Nhiên đề nghị cần cụ thể hóa điều Luật này trên cơ sở tổng kết thực tiễn.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) bày tỏ quan điểm, thời gian qua, ở một số lĩnh vực, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng trong nhiều lĩnh vực khác, các tập đoàn nhà nước cho thấy nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 3 ở Điều 54 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992./.

Thảo Nguyên-Quang Toàn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục