Dư thừa 1.200 lãnh đạo khi lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ-Bộ Y tế, sẽ dư thừa khoảng 1.200 cán bộ lãnh đạo khi sáp nhập những trung tâm không giường bệnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh.
Dư thừa 1.200 lãnh đạo khi lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sẽ dư thừa khoảng 1.200 cán bộ lãnh đạo khi sáp nhập những trung tâm không giường bệnh thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh. Đây là khó khăn lớn nhất các địa phương cần tháo gỡ hiện nay.

Nhận định này được ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ-Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị triển khai thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BYT hướng dẫn chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh khu vực phía Nam do Bộ Y tế tổ chức sáng 16/8.

Theo ông Phạm Văn Tác, việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang đối mặt với bài toán nhân sự, trong đó có việc phân bổ các chức danh lãnh đạo. Trung bình mỗi tỉnh hiện có 6 trung tâm không giường bệnh, tương đương có 6 giám đốc và 18 phó giám đốc.

Khi sáp nhập để tổ chức theo mô hình Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), chỉ còn một giám đốc và ba phó giám đốc. Do đó, sẽ dư thừa 5 giám đốc và khoảng 15-16 phó giám đốc.

Như vậy, tính trên cả nước sẽ thừa khoảng 1.200 lãnh đạo, chưa kể hàng ngàn viên chức thuộc các bộ phận khác như hành chính, kế toán, lái xe…

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho hay việc tách các đơn vị ra rất dễ nhưng sáp nhập lại vô cùng khó khăn, trong đó nan giải nhất là việc sắp xếp cán bộ.

Hiện Cần Thơ có 5 trung tâm không giường bệnh, trung bình mỗi trung tâm có khoảng 180 cán bộ và địa phương đang loay hoay với bài toán sắp xếp nhân sự cho phù hợp.

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, vấn đề nhân sự ở Đắk Nông càng nan giải hơn khi tỉnh này mới thành lập được 13 năm, do đó hệ thống nhân sự còn rất trẻ, để chờ đến tuổi nghỉ hưu rất lâu. Địa phương cũng lo ngại, việc sáp nhập sẽ khiến tỉnh không bảo toàn được số lượng biên chế.

[Viện trưởng Viện Pasteur: Các địa phương nên công bố dịch]

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố, hiện thành phố có 7 trung tâm không giường bệnh và sẽ tiến hành từng bước sáp nhập, hoàn thiện trước năm 2021. Về vấn đề sắp xếp nhân sự, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết thuận lợi của thành phố là có nhiều đơn vị trực thuộc, do đó nhân sự dư thừa từ việc sáp nhập này sẽ được sắp xếp ở các đơn vị sự nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh khác.

Đối với các chức danh lãnh đạo, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có họp bàn và đưa ra phương án hợp lý, cương quyết từ nay đến năm 2021 không bổ nhiệm người mới trong trường hợp có lãnh đạo trung tâm nào đó nghỉ hưu.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ ủng hộ việc các địa phương thực hiện từng bước theo lộ trình và tùy tình hình thực tiễn để sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy nhân sự.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương nên tinh giản những bộ phận không hiệu quả, chưa thực sự cần thiết nhưng tuyệt đối không được giảm số lượng bác sỹ tại các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm y tế quận, huyện hai chức năng.

Theo lộ trình của Bộ Y tế, đến năm 2021, tất cả các địa phương sẽ thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh từ những trung tâm không giường bệnh để thực hiện chức năng: Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; phòng chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám, phát hiện điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác có liên quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục