Đua khuyến mãi "khủng"

Nhà mạng chạy đua khuyến mãi "khủng" cuối năm

Đua nhau khuyến mãi, giảm giá dịch vụ di động nhằm hút khách hàng nhưng liệu các nhà mạng đã chú trọng đến chất lượng dịch vụ?
Thời điểm này, thị trường viễn thông di động lại nhộn nhịp với việc các nhà cung cấp tung ra hàng loạt những chiêu khuyến mãi nhằm hút khách hàng, tuy chất lượng dịch vụ vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Mở màn cho “phát súng” giảm giá là MobiFone. Vào tháng 10, nhà mạng này đã “khai hỏa” bằng cách chỉ với 60.000 đồng/tháng, khách hàng được sử dụng Internet không giới hạn. Gói cước này sẽ có tốc độ tối đa là 1Mbps. Song, khi khách hàng sử dụng đến 500MB, hệ thống sẽ hạ băng thông xuống còn 256 Kbps.

Tiếp đó, ngày 2/12, Viettel tuyên bố cung cấp gói cước MiMax dành cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau.

Với MiMax, chỉ với 40.000 đồng cước thuê bao tháng, khách hàng được truy cập internet trên điện thoại di động không giới hạn. Tuy nhiên, khách hàng chỉ được sử dụng 500MB dữ liệu ở tốc độ cao nhất (8/2Mbps), còn sau đó sẽ phải truy cập Internet ở tốc độ thấp hơn.

Sau Viettel, Vietnamobile tuyên bố “mang tới xu hướng mới trong sử dụng dịch vụ 3G tại Việt Nam.” Và, mọi người đều có thể sử dụng 3G của đơn vị này qua các gói cước siêu tiết kiệm chỉ có giá bằng… 2G.

Cụ thể, gói cước trả trước Super 3G Data của Vietnamobile với các mức giá khác nhau cho các nhu cầu sử dụng khác nhau. Khách hàng sử dụng ít theo ngày, có thể dùng gói D1 với giá 5.000đ/ngày cho 120Mb dữ liệu hoặc trả 10.000đ/ tháng cho 40Mb dữ liệu trong 30 ngày.

Gói D7 dành cho khách hàng nhu cầu trung bình có giá 30.000đ/tuần cho 600Mb hoặc tiết kiệm hơn là gói D20 20.000đ/ tháng cho 150Mb. Khách hàng có nhu cầu sử dụng nhiều hơn có thể sử dụng gói D40, chỉ 40.000đ cho 800Mb trong 30 ngày…

Với khách hàng trả sau, Vietnamobile giảm giá dữ liệu tới 88% (0,5đ/Kb). Giá cước tháng cũng giảm từ 50.000đ/500Mb còn 40.000đ/ 800Mb.

Không chịu thua kém các “đàn anh,” Beeline còn thực hiện chính sách giảm giá “kịch liệt” hơn chỉ với 30.000 đồng, khách hàng đã có thể truy cập Internet di động không giới hạn. Tuy nhiên, “đàn em” Beeline mới chỉ cung cấp dịch vụ GPRS chứ chưa có 3G.

Không chỉ đua giảm giá để “kích cầu” khách hàng sử dụng Internet di động, các gói cước gọi thoại, nhắn tin cũng được giảm giá mạnh.

Ở “mảng” này, Beeline có vẻ là “khủng” hơn cả khi tung ra gói cước tỷ phú với ưu đãi lên đến 1 tỷ đồng cho khách hàng. Sau khi bị Bộ Thông tin và Truyền thông “tuýt còi,” Beeline lại tiếp tục trình làng tỷ phú 2. Và gói cước này mới đây đã được thông qua.

Ở tỷ phú 2, khách hàng cũng được thưởng 1 tỷ đồng trong tài khoản sử dụng trong 10 năm (tương đương mỗi ngày 270.000 đồng). Tuy nhiên, thuê bao gói tỷ phú 2 trong thời gian đầu khuyến mại phải sử dụng ít nhất 1.350 đồng/ngày. Ngoài ra, mỗi tháng khách hàng phải nạp 20.000 đồng vào tài khoản.

Với Viettel, đơn vị này tung ra gói cước “cà chua xanh” với ưu đãi khá hấp dẫn. Với cước phí 2.500 đồng/lần, khách hàng được miễn phí 150 tin nhắn (nội mạng) và hưởng mức cước gọi di động (nội mạng) chỉ 50 đồng/phút (từ 22 giờ đến 24 giờ) và 500 đồng/phút (từ 0 giờ đến 17 giờ) hàng ngày…

Đứng ở phương diện khách hàng, việc được nhà mạng giảm giá là một cơ hội tốt để sử dụng dịch vụ viễn thông di động. Tuy nhiên, chất lượng thì chưa hẳn đã tốt.

Có thể lấy ra đây ví dụ của Beeline, nhà mạng này tuy khuyến mãi rất “khủng,” tăng thuê bao, song không hẳn khách hàng của họ đã hài lòng với chất lượng dịch vụ khi mà sóng di động của nhà mạng này khá “phập phù” ở ngoại thành Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Định (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, thấy khuyến mãi "khủng," chị mua Beeline để liên lạc với người thân. Tuy nhiên, "cứ đi làm trên phố thì sóng tốt, còn buổi tối về nhà thì sóng rất phập phù."

Trong một cuộc họp mới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, một quan chức trong ngành này cho hay, doanh nghiệp viễn thông hiện chạy đua về giá và chưa chú trọng đến chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, việc tìm mọi cách phá giá sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ làm phá vỡ cấu trúc của thị trường.

Biểu hiện rất rõ của việc này chính là lợi nhuận trên doanh thu đang giảm, và sự "ra đi" của EVN Telecom là một ví dụ điển hình.

Do đó, với nhu cầu ngày càng cao của người dùng, bên cạnh việc khuyến mãi “khủng,” việc chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông mới chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển bền vững./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục