Đức áp dụng trở lại Hiệp định Dublin với người tị nạn Syria

Chính phủ Đức thông báo áp dụng trở lại Hiệp định Dublin với người tị nạn Syria, theo đó sẽ xem xét đưa người Syria xin tị nạn ở Đức tới một nước khác trong EU.
Đức áp dụng trở lại Hiệp định Dublin với người tị nạn Syria ảnh 1Cảnh sát hướng dẫn người tị nạn làm thủ tục đăng ký tại ga tàu điện ở Munich, Đức. (Ảnh: EPA)

Chính phủ Đức ngày 10/11 thông báo áp dụng trở lại Hiệp định Dublin với người tị nạn Syria, theo đó sẽ xem xét đưa người Syria xin tị nạn ở Đức tới một nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Hiệp định Dublin quy định rằng người nước ngoài phải nộp đơn xin tị nạn ở bất kỳ nước EU nào mà họ đặt chân đầu tiên khi vào khối này. Tại đó họ sẽ được đăng ký tị nạn và thậm chí được lưu trú tị nạn.

Tuy nhiên, từ tháng 8, vì lý do đơn giản hóa thủ tục tị nạn cũng như các lý do nhân đạo, Chính phủ Đức tạm thời không áp dụng quy định này với người tị nạn Syria, vốn chiếm phần lớn trong tổng số khoảng 800.000 người tị nạn tới Đức cho tới nay.

Theo thông báo mới của Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Thomas de Maizière, người tị nạn Syria tới đây sẽ được đưa trở lại các nước EU khác một cách thường xuyên hơn.

Bộ Nội vụ, Cục Di trú và Người tị nạn liên bang Đức (BAMF) cũng cho biết Hiệp định Dublin sẽ được áp dụng cho công dân tất cả các nước có người di cư tới Đức cũng như các nước thành viên EU, trừ Hy Lạp. Quy định này được áp dụng trở lại từ 21/10 với người tị nạn Syria.

Theo BAMF, trong tháng 10 vừa qua đã có trên 181.000 người tị nạn tới Đức, trong đó có trên 88.600 trường hợp là người Syria.

Trong thời gian này cũng đã có gần 1.800 trường hợp được đưa trở lại các nước EU khác theo các quy định trong Hiệp định Dublin.

Theo quy định mới, từng trường hợp tị nạn sẽ được kiểm tra xem có đủ lý do để tiến hành làm các thủ tục tị nạn ở Đức không, hay sẽ được chuyển sang nước thành viên khác.

Bộ Nội vụ Đức cho biết thay đổi này không có nghĩa người tị nạn sẽ bị đưa ra biên giới và những thay đổi mới sẽ chỉ tác động tới một bộ phận nhỏ người tị nạn Syria.

Trong thực tế, việc đăng ký tị nạn trong EU vẫn còn rất lỏng lẻo và hầu hết người tị nạn tới Đức mà chưa đăng ký ở một nước EU khác theo Hiệp định Dublin.

Với biện pháp nêu trên, Đức kêu gọi các nước EU khác cùng chia sẻ và thực hiện trách nhiệm pháp lý và nhân đạo, giảm gánh nặng cho các nước thành viên bị quá tải như Hy Lạp hay Italy.

Trong khi đó, theo kết quả một nghiên cứu của tổ chức Ernst & Young, Đức không thể tiếp nhận thêm hàng trăm nghìn người tị nạn dự kiến tới nước này từ nay tới cuối năm.

Theo Ernst & Young, Đức hiện chỉ có khả năng tiếp nhận khoảng 500.000 người tị nạn và con số này hiện đã vượt trần, trong khi Berlin cần thêm các giải pháp về nhà ở cho khoảng 370.000 người tị nạn dự kiến sẽ tới Đức trước cuối năm nay.

Nghiên cứu này dựa trên con số dự đoán nói rằng sẽ có khoảng 870.000 người tị nạn tới Đức trong năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục