Đức, Australia tài trợ dự án biến đổi khí hậu tại An Giang

Hội Chữ thập Đỏ An Giang tổ chức hội nghị sơ kết Dự án giảm nhẹ rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, do Hội Chữ thập đỏ Đức và Australia tài trợ.

Ngày 24/2, Hội Chữ thập Đỏ tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị sơ kết Dự án giảm nhẹ rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, gắn với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án tại An Giang do Hội Chữ thập đỏ Đức và Australia tài trợ, triển khai tại bảy xã thuộc ba huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên - những địa phương được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Dự án được thực hiện từ tháng 7/2012-12/2014, tại các xã: Vĩnh Trung, Văn Giáo, An Cư (huyện Tịnh Biên), xã An Tức, Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), xã Định Thành, Thoại Giang (huyện Thoại Sơn) và bảy trường tiểu học tại các xã được chọn.

Mục tiêu chung của dự án là tăng khả năng chống chịu của cộng đồng dễ bị tổn thương với những tác động của biến đổi khí hậu hiện nay và trong tương lai tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án được xây dựng dựa trên những mô hình giảm nhẹ rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, gồm tổ chức các khóa tập huấn cho cộng đồng, trường học và các đội ứng phó khẩn cấp, nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, cung cấp nguồn lực và trang thiết bị cho cộng đồng.

Dự án cũng tích hợp những biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu, cũng như vận dụng những kinh nghiệm và chuyên môn của phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ tại Việt Nam và trong khu vực, về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe và sinh kế.

Tại bảy xã trong tỉnh An Giang, dự án đã tiến hành đánh giá tình trạng dễ tổn thương và khả năng có sự tham gia của cộng đồng với 3.762 người dân.

Dự án đã nâng cao nhận thức ứng phó biến đổi khí hậu cho người tham dự và xây dựng kế hoạch, đề xuất Ủy ban Nhân dân địa phương xem xét lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ủy ban Nhân dân địa phương tổ chức bảy lớp quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, lồng ghép biến đổi khí hậu cho 175 cán bộ thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các xã dự án.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân cũng được đề xuất tổ chức tập huấn và cấp trang bị cho bảy đội ứng phó thảm họa cấp xã, với 175 đội viên, trong đó có 10 nữ và 32 người dân tộc thiểu số tham gia; tập huấn và cấp trang bị cho 33 nhóm ứng phó thảm họa cấp ấp, với 166 thành viên, trong đó có 16 nữ và 55 người dân tộc tham dự; tiến hành 33 cuộc truyền thông về ứng phó biến đổi khí hậu cho hộ gia đình ở 33 ấp, với 988 người dân tham dự, trong đó có 488 là nữ và 451 người dân tộc Khmer.

Từ ngày 15/12/2013 đến 12/1/2014, dự án đã tổ chức truyền thông thay đổi hành vi cá nhân về vệ sinh môi trường có sự tham gia của 8.760 người dân, trong đó có 4.845 người dân tộc Khmer và 27 người khuyết tật tại 33 ấp của bảy xã dự án thực hiện.

Dự án cũng hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu, cứu nạn cho 210 học sinh tiểu học, trong đó có 103 em là nữ và 37 em người dân tộc Khmer, đồng thời tiến hành tập huấn kiến thức ứng phó biến đổi khí hậu cho 1.077 học sinh, trong đó có 529 học sinh nữ và 411 học sinh là người dân tộc Khmer tại các xã./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục