Đúc đốt dầm cầu cạn đầu tiên tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên

Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành đúc đốt dầm cầu cạn đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên.
Đúc đốt dầm cầu cạn đầu tiên tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên ảnh 1Đúc đốt dầm cầu cạn đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 6/4, Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành đúc đốt dầm cầu cạn đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên.

Đợt đốt dầm này nằm trong hạng mục dầm cầu cạn thuộc gói thầu số 2 “Xây dựng đoạn trên cao và depot."

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, các dầm cầu cạn có khẩu độ điển hình 35m, chia thành 13 đốt dầm (mỗi đốt nặng 42 tấn), có mặt cắt hình chữ U, chiều rộng tính giữa hai đầu cánh dầm là hơn 11m, chiều rộng đáy dầm 9,54m, chiều cao dầm 2,03m; được đúc sẵn tại bãi đúc dầm (quận 9) sau đó vận chuyển ra công trường. Mỗi nhịp gồm 13 đốt dầm sẽ được treo trên hệ đà giáo di động và ghép thành một nhịp cầu hoàn chỉnh.

Các đốt dầm được liên kết vĩnh cửu với nhau với khóa chống cắt, keo epoxy và cáp dự ứng lực. Tổng số lượng đốt dầm được đúc là 4.563 đốt, kéo dài trong hai năm. Dầm chữ U do nhà thầu Systra (Pháp) thiết kế, phần thi công đúc và lao dầm cho Liên danh FVR (Freyssinet-VSL-Rizaani) thực hiện.

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dầm tuyến số 1 có nhiều ưu điểm, thiết kế hình chữ U, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, sử dụng linh hoạt cho kết cấu công trình trải dài theo toàn tuyến hơn 17km trên cao, vượt qua nhiều tuyến đường ngang và hạ tầng bên dưới. Kết cấu dầm chữ U giúp giảm chiều cao kiến trúc khi lắp đặt hệ thống đường ray, giảm độ tĩnh không, tạo mỹ quan đô thị, chống ồn khi tàu vận hành. Việc đúc dầm tại bãi dầm sẽ dễ kiểm soát chất lượng, độ an toàn.

Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên dài 19,7km, đi qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) và thị xã Dĩ An (Bình Dương), có tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ USD, dự kiến hoàn thành và chạy thử trong năm 2019, khai thác thương mại từ năm 2020.

Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh có tám tuyến tàu điện ngầm và ba tuyến đường sắt nhẹ, đáp ứng vận chuyển 40-45% tổng nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi đó, hiện hệ thống vận tải hành khách công cộng (xe buýt, taxi) chỉ đáp ứng được 10% và sau khi hệ thống đường sắt đô thị hoàn thành, xe buýt và taxi sẽ chuyển sang thu gom, hỗ trợ cho các tuyến metro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục