Đức giảm quyền hạn của nghiệp đoàn nhỏ để hạn chế đình công

Một loạt cuộc đình công trong ngành hàng không Đức đã khiến giới doanh nghiệp, chính trị gia hối thúc chính quyền hạn chế quyền hạn các nghiệp đoàn nhỏ.
Đức giảm quyền hạn của nghiệp đoàn nhỏ để hạn chế đình công ảnh 1Nhân viên hãng hàng không Lufthansa bãi công. (Nguồn: Reuters)

Một loạt cuộc đình công liên tiếp nổ ra của phi công và lái tàu ở Đức đã khiến nhiều doanh nghiệp, các chính trị gia và các du khách hối thúc nhà chức trách nước này phải có các biện pháp giảm quyền hạn của các nghiệp đoàn nhỏ tại nước này.

Sau cuộc đình công kéo dài 50 giờ của nhân viên lái tàu khiến hàng triệu người gặp khó khăn trong việc đi lại hồi cuối tuần qua, các phi công hãng Lufthansa (Đức) cũng vừa tiến hành cuộc đình công thứ tám trong năm nay, khiến hàng trăm nghìn hành khách bị chậm chuyến hoặc hủy chuyến.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhân viên lái tàu và phi công, được các nghiệp đoàn chuyên trách đại diện quyền lợi tổ chức các cuộc bãi công trong vài tháng trở lại đây.

Các cuộc đình công không chỉ gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Đức mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Nhiều người đã tỏ ra mất kiên nhẫn và lên tiếng phản đối các cuộc đình công này.

Về phần mình, trong một tuyên bố, hãng hàng không Lufthansa cũng cho rằng các cuộc đình công liên tiếp đã biến nước Đức từ hình ảnh một nước xuất khẩu và hiệu quả hàng đầu thế giới trở thành một "quốc gia tê liệt."

Theo hãng này, cần thiết phải đàm phán và sửa đổi luật đình công, đặc biệt tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải chủ chốt.

Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức ngày 20/10 cho biết Thủ tướng Angela Merkel cũng cho rằng các cuộc đình công đang diễn ra cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy các kế hoạch nhằm hạn chế quyền lực của các nghiệp đoàn nhỏ bằng luật pháp. Theo đó, cần đề ra các dự luật mới quy định các công ty chỉ đàm phán về tiền lương với các nghiệp đoàn lớn chuyên trách và các thỏa thuận về lương đạt được với nghiệp đoàn lớn sẽ áp dụng đối với tất cả công nhân thuộc công ty./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục