Đức hỗ trợ đào tạo nghề song hành tại Việt Nam

Doanh nghiệp Đức sẽ phối hợp với đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên hợp tác thực hiện chương trình đào tạo trong lĩnh vực cơ điện tử.
Ngày 18/3, ông Jonathan Catahan, giám đốc công ty B.Braun Vietnam và ông Frank Hopfenbach, giám đốc công ty Messer Hai Phong Industrial Gases đã ký kết một thỏa thuận chung trong lĩnh vực đào tạo nghề tại Việt Nam với đại diện trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.

Lễ ký diễn ra dưới sự chứng kiến của ông Carsten Meyer-Wiefhausen, Tham tán thương mại của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Dựa trên mô hình đào tạo song hành, các doanh nghiệp Đức sẽ phối hợp với trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên hợp tác thực hiện chương trình đào tạo trong lĩnh vực cơ điện tử, trong đó có thời gian đào tạo tại nhà máy.

Sự tiếp cận thực tế và thời gian làm việc tại nhà máy sẽ giúp cho các học viên ngay từ năm thứ 2 của chương trình đào tạo được làm quen với thực tế làm việc tại nhà máy, qua đó giúp các em có được những kiến thức thực tế cần thiết phục vụ cho công việc sau này.

Sau khi kết thúc khóa đào tạo nghề thành công các học viên có thể được nhận vào làm tại chính doanh nghiệp mà họ đã thực tập.

Chương trình đào tạo này sẽ được Chính phủ Đức hỗ trợ thực hiện. Tổ chức Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) sẽ là đơn vị tư vấn và thực hiện dự án dưới sự chỉ đạo của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ).

Tham gia vào dự án còn có Viện Đào tạo nghề quốc gia (NIVT) thuộc Tổng cục dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Hiện các ngành công nghiệp của Việt Nam đang rất cần lực lượng lao động có tay nghề. Chính vì vậy các bên đang rất cố gắng để làm sao đưa đào tạo gắn chặt hơn với nhu cầu của các doanh nghiệp và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp là đối tác trong quá trình đào tạo nghề.

Trong khuôn khổ hợp tác phát triển Đức, phía Đức hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong thực hiện chương trình “Cải cách đào tạo nghề.“

Tính đến năm 2010, trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã nhận được sự hỗ trợ của phía Đức trong việc phát triển đào tạo nghề trong lĩnh vực cơ khí và điện tử (bao gồm cả cơ điện tử). Qua đó đã đưa ra được một mô hình đào tạo hợp tác trong lĩnh vực cơ điện tử để khi tốt nghiệp các sinh viên đáp ứng được với các yêu cầu của doanh nghiệp.

Chính phủ Việt Nam mong muốn áp dụng những kinh nghiệm và thành tựu của các nước đối tác nhằm cải thiện hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam.

Dự kiến trong tương lai những ý tưởng sáng tạo của các doanh nghiệp Đức khác cũng sẽ được đưa vào thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục