Đức hối thúc Pháp đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim

Người phát ngôn Bộ Môi trường Đức tuyên bố rằng "Pháp nên đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, nằm gần biên giới với Đức càng sớm càng tốt do nhà máy này đã quá cũ."
Đức hối thúc Pháp đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim ảnh 1Lính cứu hỏa tới nhà máy điện hạt nhân Fessenheim sau sự cố năm 2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 4/3, người phát ngôn Bộ Môi trường Đức, bà Barbara Hendricks tuyên bố rằng "Pháp nên đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, nằm gần biên giới với Đức càng sớm càng tốt do nhà máy này đã quá cũ."

Tuyên bố này được đưa ra sau khi có những tiết lộ về sự cố nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fessenheim được đăng tải ngày 4/3 trên nhiều tờ báo ở Đức.

Theo truyền thông Đức, sự cố xảy ra ngày 9/4/2014 tại lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fessenheim là hết sức nghiêm trọng nhưng nó đã không được phản ánh đúng mức.

Trong thông báo ngày 17/4/2014, Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp (ASN) cho biết nước rò rỉ trong lò phản ứng số 1, tại khu vực không chứa hạt nhân, đã làm hư hại hệ thống điện và khiến một trong số hai hệ thống an toàn của lò phản ứng ngừng hoạt động.

Thông báo cũng cho biết nhà khai thác và điều hành là Công ty Điện lực Pháp (EDF) đã kịp thời cho lò phản ứng ngừng hoạt động, sự cố đã không gây hậu quả về người và môi trường và được xếp ở mức độ 1 trên thang phân loại mức độ nguy hiểm từ 0 đến 7.

Tuy nhiên, truyền thông Đức cho rằng sự cố này cho thấy một loạt các "sai sót kỹ thuật" có thể đã dẫn đến việc lò phản ứng hạt nhân trong một khoảng thời gian nhất định "đã nằm ngoài khả năng kiểm soát," đồng thời cáo buộc ASN đã che giấu sự việc.

Phản ứng trước việc này, người đứng đầu Văn phòng của ASN tại Strasbourg cho rằng cáo buộc trên là "không có cơ sở" và là phản ứng hạt nhân "chưa bao giờ nằm ngoài khả năng kiểm soát."

Mặc dù vậy, vụ việc đã làm sống lại tranh cãi về lò phản ứng hạt nhân Fessenheim được đưa vào vận hành từ năm 1977.

Trong những ngày qua, cả Đức lẫn Thụy Sĩ đều tỏ ra lo lắng vì khoảng cách quá gần giữa Đức và Thụy Sĩ với các nhà máy điện hạt nhân của Pháp.

Ngày 2/3, tỉnh Geneva (Thụy Sĩ) đã khiếu nại lên tòa án địa phương yêu cầu Pháp đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Bugey ở tỉnh Ain, vùng Auvergne-Rhône-Alpes, gần biên giới Thụy Sĩ, do lo ngại về ô nhiễm nguồn nước cho tỉnh Geneva.

Ngày 3/3 , nhà máy điện hạt nhân Cattenom đóng tại tỉnh Moselle, gần biên giới Đức cũng bị đảng Xanh của Đức tố cáo gây nguy hại cho môi trường.

Tổng thống Pháp François Hollande đã cam kết sẽ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim vào năm 2016, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.

Tuy nhiên, trong một thông báo hồi cuối năm 2015, Bộ trưởng Năng lượng Pháp, bà Ségolène Royal cho biết nhà máy này sẽ được kéo dài thời gian hoạt động đến 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục