Đức mong muốn tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam

Chủ tịch Đoàn Nghị sỹ Đảng dân chủ xã hội tại Quốc hội Đức cho biết một trong những ưu tiên của Đức trong phát triển kinh tế là tăng đầu tư nước ngoài trong đó có đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Đức mong muốn tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thện Nhân tiếp ông Thomas Oppermann. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Trưa 29/2, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp ông Thomas Oppermann, Chủ tịch Đoàn Nghị sỹ Đảng dân chủ xã hội (PSD) tại Quốc hội Đức.

Chào mừng Ngài chủ tịch và Đoàn Nghị sỹ Đảng dân chủ xã hội sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Đức. Mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức được thiết lập từ tháng 10/2011, bước vào năm thứ 5 đang được phát triển sâu rộng và hiệu quả trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế. văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo...

Việc Đoàn Nghị sỹ Đảng dân chủ xã hội tại Quốc hội Đức sang thăm và làm việc tại Việt Nam là dịp vô cùng đặc biệt, là cuộc gặp gỡ của những người bạn, góp phần tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau, cùng thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức.

Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều năm qua, Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong EU, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam (bằng cả Anh và Pháp cộng lại). Kim ngạch xuất khẩu hai chiều năm 2014 đạt 7,8 tỷ USD và 10 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 7,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, đầu tư của Đức tại Việt Nam còn ở mức khiêm tốn mới chỉ đạt khoảng 1,5 tỷ USD chiếm khoảng 0,5% tổng mức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trao đổi thương mại hai nước đã tăng trong thời gian gần đây nhưng chỉ chiếm 3,8% tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam với nước ngoài. Cùng với đó, các doanh nghiệp Đức vẫn còn e ngại trong việc đầu tư vào các dự án lớn tại Việt Nam...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân mong muốn ông Thomas Oppermann với tư cách là Chủ tịch Đoàn Nghị sỹ Đảng dân chủ xã hội - một trong hai Đảng lớn nhất tại Đức có thể trao đổi với các nghị sỹ, bạn bè chính giới của Đức hiểu, ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, trong đó, có vấn đề ổn định trên biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo đảm giao thông tự do trên biển, vấn đề tự do tôn giáo của Việt Nam; đưa ra những sáng kiến nhằm thúc đẩy khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Cộng hòa Liên bang Đức là đối tác lớn nhất và hiệu quả nhất của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ. Thành công chính là hiệu quả của dự án trường Đại học Việt-Đức đã tạo điều kiện để thanh niên Việt Nam được đào tạo theo tiêu chuẩn Đức.

Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục thông qua triển khai hiệu quả dự án trường Đại học Việt-Đức, đưa cơ sở này đạt chuẩn nghiên cứu, đào tạo quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức tạo thuận lợi hơn nữa cho sinh viên nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập tại Đức.

Chủ tịch Đoàn Nghị sỹ Đảng dân chủ xã hội tại Quốc hội Đức Thomas Oppermann cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dành cho Đoàn. Ông Thomas Oppermann khẳng định chỉ trong vòng 1 năm nhưng hai Đảng lớn nhất của Cộng hòa Liên bang Đức đã tới thăm và làm việc Việt Nam chứng tỏ mối quan tâm lớn của Đức với Việt Nam; đồng thời bày tỏ tin tưởng mối quan hệ đối tác chiến lược Đức-Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục đào tạo...

Từ những trao đổi của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, ông Thomas Oppermann cho biết một trong những ưu tiên của Đức trong phát triển kinh tế bên cạnh việc tăng chi ngân sách cho nghiên cứu phát triển, xuất khẩu, tăng sức mua của thị trường nội địa chính là tăng đầu tư nước ngoài trong đó có đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Với những dự án như trường Đại học Việt Đức và sắp tới đây là Phòng Thương mại và Công nghiệp song phương Đức-Việt được thành lập dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, hệ thống pháp lý an toàn sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục