Đức phản đối cho Hy Lạp thêm thời gian thực hiện mục tiêu ngân sách

Đức lên tiếng phản đối những lời kêu gọi cho Hy Lạp thêm thời gian để đạt các mục tiêu ngân sách mà họ đồng ý với các nhà tài trợ quốc tế trong chương trình cứu trợ thứ 3.
Đức phản đối cho Hy Lạp thêm thời gian thực hiện mục tiêu ngân sách ảnh 1Lá cờ Hy Lạp bay bên ngoài tòa nhà Chứng khoán Hy Lạp. (Nguồn: AFP)

Đức đã lên tiếng phản đối những lời kêu gọi cần cho Hy Lạp thêm thời gian để đạt các mục tiêu ngân sách mà họ đã đồng ý với các nhà tài trợ quốc tế trong chương trình cứu trợ thứ ba dành cho nước này.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Athens đang phải đối phó với khủng hoảng nhập cư.

Việc Áo gần đây áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới đã gây hiệu ứng dây chuyền ở châu Âu, khiến hàng chục nghìn người nhập cư bị mắc kẹt tại Hy Lạp, làm tăng thêm gánh nặng cho một quốc gia đang trong quá trình phục hồi sau sáu năm suy thoái kinh tế.

Khi được hỏi về đề nghị của Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cần cho Hy Lạp thêm thời gian để giải quyết các vấn đề ngân sách, người phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng vấn đề người di cư và chương trình cứu trợ Hy Lạp không nên được lồng với nhau.

Ý tưởng trên cũng vấp phải sự phản đối của ông Manfred Weber, Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu, phe nhóm lớn nhất trong Nghị viện châu Âu. Ông cho rằng bất kỳ ai đang làm giảm hiệu lực của chính sách ổn định châu Âu trong cuộc khủng hoảng nhập cư là đang đùa với lửa. Ông nói các quy định về nợ ở châu Âu không được làm yếu đi và điều này cũng được áp dụng với Hy Lạp.

Ông Schulz lập luận rằng cuộc khủng hoảng nhập cư đang ảnh hưởng đến Hy Lạp lớn hơn so với các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) bởi vị trí địa lý của nước này, gây thêm các vấn đề về ngân sách, vì vậy cần linh hoạt hơn đối với Hy Lạp trong việc thực hiện các quy định về thâm hụt ngân sách.

Các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 7/3, và chủ đề chính được cho là về Hy Lạp, sau khi các cuộc thương lượng giữa nước này và các chủ nợ - gồm Eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế - bị đình trệ.

Đợt đánh giá đầu tiên về các cải cách kinh tế theo kế hoạch cứu trợ đã được nhất trí hồi tháng 8/2015 mà Hy Lạp muốn kết thúc nhanh chóng để chuyển sang đàm phán về giảm nợ đã bị ngừng lại vì bất đồng giữa các chủ nợ về vấn đề nước này cần tiết kiệm chi tiêu thêm bằng nào, nhất là về lương hưu.

Về cuộc khủng hoảng nhập cư, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã kêu gọi việc tái phân bổ khẩn cấp hàng nghìn người nhập cư sang các nước khác trong EU, khi nước láng giềng Macedonia thắt chặt việc phong tỏa biên giới hơn nữa, khiến người nhập cư bị mắc kẹt tại Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục