Đức: Tỷ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ xuống thấp nhất kể từ 2012

Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây, tỷ lệ ủng hộ liên đảng Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Đức: Tỷ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ xuống thấp nhất kể từ 2012 ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) tại cuộc họp với các thành viên của Đảng CDU. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện thăm dò Emnid tiến hành và công bố ngày 3/4, tỷ lệ ủng hộ liên đảng Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012, trong khi mức ủng hộ đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) tiếp tục tăng.

Kết quả thăm dò cho thấy, tỷ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ CDU/CSU tiếp tục giảm so với tuần trước, xuống còn 33% - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012.

Một cuộc thăm dò khác do Viện INSA tiến hành cho thấy tỷ lệ ủng hộ CDU/CSU chỉ còn 32%.

Theo cuộc thăm dò của Emnid, tỷ lệ ủng hộ AfD tiếp tục tăng, đạt 13%, trong khi tỷ lệ ủng hộ đảng Cánh tả giảm xuống còn 8% - mức thấp nhất trong một năm qua.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (SPD) vẫn giữ ở mức 22%, đảng Xanh 13% và đảng Dân chủ Tự do (FDP) 6%.

Như vậy, nếu tổng tuyển cử diễn ra trong tuần tới, một kịch bản cho chính phủ liên minh nhiều khả năng tiếp tục là CDU/CSU-SPD hoặc CDU/CSU-đảng Xanh và FDP, trong khi đảng cực hữu AfD có cơ hội cạnh tranh với đảng Xanh để trở thành đảng mạnh thứ ba trên chính trường Đức.

Kết quả các cuộc thăm dò cũng thể hiện mối lo ngại việc AfD đang ngày càng có thái độ hữu khuynh.

Trong số những người ủng hộ AfD, chỉ có 55% coi đảng này theo cánh hữu, trong khi 44% cho rằng đây là đảng trung dung và 2% coi là đảng cánh tả.

Theo kết quả thăm dò, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ giảm mạnh là do chính sách giải quyết khủng hoảng người tị nạn hiện nay của Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của người dân Đức.

Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò do tổ chức Nghiên cứu Bầu cử (FGW) của Đức tiến hành, có 55% số người được hỏi tin rằng Berlin có thể giải quyết được những thách thức liên quan tới số lượng lớn người tị nạn tới Đức và đây là mức lạc quan cao nhất kể từ tháng 12/2015.

Hồi tháng 1/2016, vẫn còn 57% số người được hỏi cho rằng Đức không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Cũng liên quan đến vấn đề người tị nạn, đảng Xanh muốn chống lại kế hoạch trục xuất người tị nạn từ Hy Lạp về Thổ Nhĩ Kỳ.

Đảng Xanh cho rằng với kế hoạch hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) đang "bán đi linh hồn của mình".

Phát biểu với báo Thế giới của Đức ngày 3/4, trưởng đoàn nghị sĩ đảng Xanh tại Quốc hội, bà Katrin Göring-Eckardt muốn đình chỉ việc trục xuất người tị nạn từ Hy Lạp về Thổ Nhĩ kỳ do Ankara là nước "rõ ràng vi phạm Công ước Geneva về người tị nạn."

Bà nêu rõ: "Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, hàng trăm người tị nạn đã bị trục xuất bất hợp pháp khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và đây là điều không thể chấp nhận được. Chừng nào Thổ Nhĩ Kỳ chưa ngừng việc trục xuất bất chấp luật pháp như vậy thì chưa thể đưa người tị nạn từ châu Âu trở lại nước này."

Trước đó, báo chí đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần trục xuất người tị nạn Syria về nước, trong khi Ankara bác bỏ những thông tin "không đúng sự thật" này.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội liên bang Đức Claudia Roth thuộc đảng Xanh cũng lên án chính sách của EU khi trục xuất người tị nạn từ châu Âu về Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu ngừng ngay hành động như vậy và cho rằng EU đã "bán đi linh hồn của mình" với chính sách hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục