Đức-Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Đức và Trung Quốc sẽ tổ chức định kỳ tham vấn trong các lĩnh vực chính trị cũng như chính sách an ninh khu vực và toàn cầu.
Đức-Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) trước cuộc hội đàm. (Nguồn: AFP)

Sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ thủ tướng Đức ngày 28/3, Đức và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Trong Tuyên bố chung, Đức và Trung Quốc hoan nghênh những thành quả đạt được trong quan hệ song phương, trong đó sự hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hoá đã phát triển lên một tầm cao mới. Hai bên nhất trí thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó sẽ tổ chức định kỳ tham vấn trong các lĩnh vực chính trị cũng như chính sách an ninh khu vực và toàn cầu. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi cũng như vì lợi ích của châu Âu và châu Á, góp phần vào hoà bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững trên thế giới.

Tuyên bố chung gồm 10 điểm, trong đó khẳng định Berlin và Bắc Kinh hướng tới mối quan hệ chiến lược lâu dài và gây dựng niềm tin chính trị giữa hai nước, góp phần vào việc khuyến khích trao đổi quan điểm một cách thường xuyên, cởi mở ở bình diện chính trị cấp cao. Để tăng cường lòng tin song phương, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu hợp tác rộng mở với trên 60 mô hình đối thoại và hợp tác thường xuyên ở cấp chính phủ. Hai bên cũng lấy các cuộc tham vấn chính phủ làm khuôn khổ hành động cho những năm tới.

Đức và Trung Quốc cùng cho rằng tình hình chính trị quốc tế và kinh tế thế giới đang đứng trước những thách thức phức tạp.

Là những nền kinh tế quốc dân quan trọng và quốc gia có hảnh hưởng trên thế giới, Đức và Trung Quốc có trách nhiệm quan trọng vì hoà bình và thịnh vượng trên thế giới. Hai bên sẵn sàng đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác chiến lượng trên cơ sở song phương, đa phương và trong khuôn khổ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu trên các lĩnh vực chính sách đối ngoại, an ninh cũng như tăng cường can dự vào các cuộc xung đột khu vực và toàn cầu. Hai bên nhất trí cùng trao đổi chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế, như tình hình ở Ukraine, Afghanistan và Syria.

Trong vấn đề hạt nhân Iran, hai bên hoan nghênh sự hợp tác mang tính xây dựng trong khuôn khổ E3+3. Đức và Trung Quốc cũng nhất trí mở rộng Đối thoại chiến lược thành Đối thoại chiến lược về Chính sách đối ngoại và An ninh. Berlin và Bắc Kinh cũng nhất trí trao đổi thường xuyên về các cuộc khủng hoảng quốc tế và khu vực cũng như những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt như vấn đề khí hậu, môi trường, an ninh năng lượng và tài nguyên; hợp tác phát triển quốc tế và đảm bảo an ninh lương thực; hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức và thể chế quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và khuôn khổ G-20.

Hai bên chủ trương giải quyết hoà bình những bất đồng và các cuộc xung đột quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Đức hoan nghênh và ủng hộ sự phát triển hoà bình của Trung Quốc, góp phần tích cực vào đảm bảo an ninh khu vực và quốc tế. Đức cũng ủng hộ sự phát triển hoà bình trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan, và khẳng định chủ trương nhất quán với chính sách Một Trung Quốc. Hai bên cho rằng mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Đức và Trung Quốc là một cấu thành quan trọng của quan hệ chiến lược toàn diện giữa EU và Trung Quốc. Đức hoan nghênh việc Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác với EU và với các nước thành viên của khối. Trung Quốc cũng đánh giá cao sự đóng góp của Đức vào sự hội nhập châu Âu và tái thiết lập ổn định chính sách tài chính cũng như phát triển kinh tế trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Bên cạnh đó, hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải cách đối với sự phát triển của nhà nước, nền kinh tế và xã hội. Đức ủng hộ Trung Quốc trong nỗ lực cải cách hệ thống kinh tế. Hai bên ủng hộ một nền kinh tế thế giới rộng mở, tự do hoá thương mại toàn cầu, phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và đầu tư; nhất trí nỗ lực giải quyết các bất đồng về thương mại như chống phá giá, chống trợ cấp thông qua đối thoại.

Đức và Trung Quốc cũng sẽ nỗ lực góp phần ổn định quan hệ kinh tế và tài chính toàn cầu thông qua một chính sách kinh tế, tài chính có trách nhiệm. Hai bên cũng sẽ tăng cường trao đổi về văn hoá-xã hội và khoa học, đẩy mạnh hợp tác giáo dục-đại học và trao đổi học sinh, sinh viên và đại diện giới giới khoa học, nghiên cứu.

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Đức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần rất lớn vào đẩy mạnh quan hệ chính trị, kinh tế song phương. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Merkel, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận các biện pháp nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế và các điểm nóng trên thế giới, như cuộc khủng hoảng ở Crimea. Hai bên dự kiến sẽ ký kết nhiều hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ euro trong chuyến công du Đức lần này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục