"Dùng tiền để khắc phục hậu quả không thể là cái cớ để miễn tội chết"

Theo đại biểu Nguyễn Định Quyền, việc dùng tiền để khắc phục hậu quả tham nhũng chỉ là tình tiết để xem xét giảm nhẹ về hình sự chứ không thể là tình tiết để miễn tội chết.
"Dùng tiền để khắc phục hậu quả không thể là cái cớ để miễn tội chết" ảnh 1Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền. (Ảnh: Vietnam+)

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Đặc biệt nhiều vấn đề còn gây tranh cãi như bỏ án tử hình với 7 tội danh như: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy hay như việc giảm án đối với tội phạm tham nhũng...

Bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

- Thưa ông, trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi có đề xuất mới là không tử hình với người phạm tội trên 70 tuổi. Ông nghĩ sao về việc này?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp đã có thẩm tra và không đồng tình. Tổng kết tình hình vi phạm pháp luật của tội phạm trong thời gian gần đây cho thấy, người cao tuổi phạm tội nhiều, thậm chí phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Có những cụ già đến 70-80 tuổi vẫn hiếp dâm và giết trẻ em.

Đáng chú ý, cùng với lứa tuổi thanh thiếu niên, người cao tuổi phạm tội có chiều hướng gia tăng.

Hơn nữa, những đối tượng đó hoàn toàn đủ năng lực hành vi khi thực hiện hành vi phạm tội của mình. Do đó, tôi cho rằng việc loại trừ người trên 70 tuổi thoát trách nhiệm hình sự là không có cơ sở thực tiễn cũng như cơ sở lý luận và pháp lý.

- Về việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh trong dự thảo luật hình sự sửa đổi, vậy ông có đồng tình với ý kiến trên không?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Việc bỏ tội danh có mức án tử hình nào cần được xem xét thận trọng bởi tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, ngày càng phức tạp và có những vụ án nghiêm trọng.

Tôi cho rằng không nên bỏ án tử hình bằng mọi giá để chúng ta đạt được chủ trương rằng chúng ta đã giảm án tử hình. Việc bỏ 7 tội danh đó Ủy ban Tư pháp đã có ý kiến, có tội danh đồng tình bỏ nhưng cũng có tội danh không đồng tình.

- Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ án tử hình với tội danh tham nhũng trong trường hợp bị cáo dùng tiền để khắc phục hậu quả, vậy theo ông việc này có nên áp dụng ở Việt Nam không?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Ủy ban Tư pháp không tán thành việc này. Việc khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra từ trước đến nay trong Bộ luật Hình sự luôn coi đó là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trên thực tế, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã từng căn cứ vào tình tiết đó để đình chỉ điều tra nhưng sau khi nghiên cứu lại, Ủy ban Tư pháp đã yêu cầu phục hồi điều tra lại.

Rõ ràng, tình tiết đó không được xem là tình tiết xóa tội mà chỉ là giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và vệc dùng tiền để khắc phục hậu quả chứ không thể là cái cớ để miễn tội chết. Đó là chính sách hình sự của chúng ta xuyên suốt từ trước tới nay.

- Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi cũng có đề cập đến vấn đề xử lý hình sự pháp nhân, điều này sẽ có ý nghĩa thế nào thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Đây là câu chuyện dài, đã được trình cách đây gần 20 năm. Nhìn vào thực tiễn ở Việt Nam thực ra trách nhiệm hình sự pháp nhân khi quy định về hình sự cũng chỉ là phạt tiền, tước giấy phép, giải thể chấm dứt hoạt động.

Và, tất cả các mức phạt trên thì xử phạt vi phạm hành chính đều làm được cả. Chỉ có một cái duy nhất khác giữa hình sự và xử lý vi phạm hành chính đó là hình sự pháp nhân để lại án tích.

Khi làm việc với các tổ chức quốc tế liên quan đến hình sự về nhân quyền, tôi nói Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp luật để xử lý đối với pháp nhân nhưng chúng tôi không gọi là xử lý hình sự mà gọi là xử lý hành chính.

Ngoài ra, khi xử lý vi phạm hình sự với pháp nhân có nguy cơ dẫn đến việc khi cá thể hóa trách nhiệm hình sự thì trách nhiệm của cá thể hóa đó lại luồn vào trách nhiệm hình sự của pháp nhân để lách luật...

Đó là chưa kể về mặt lý luận, về nhà nước và pháp luật, về hình sự tội phạm học, chúng ta vẫn nói về các yếu tố cấu thành tội phạm, cá thể hóa trách nhiệm hình sự… trong khi đó các nhà khoa học về hình sự đang nghiên cứu và tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau về trách nhiệm hình sự pháp nhân. Trong điều kiện như vậy, đưa trách nhiệm hình sự pháp nhân vào Bộ luật Hình sự là không cần thiết.

- Trên thực tế, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng hình sự hóa trong các giao dịch hoạt động kinh tế. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: Theo tôi, có một số tội danh có những cấu thành gắn với quan hệ kinh tế như cho vay nặng lãi, lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo. Do đó, khi áp dụng pháp luật không rành mạch sẽ lẫn sang quan hệ kinh tế.

Điều này không phải lỗi của pháp luật mà là do cách áp dụng pháp luật của chúng ta sai. Trong Bộ luật Hình sự không có tội danh nào là hình sự hóa quan hệ kinh tế cả.

Tuy nhiên, để tránh việc áp dụng sai, Bộ luật Hình sự cần phải quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, minh bạch hơn về những cấu thành tội phạm về kinh tế, như tội lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, cho vay nặng lãi, thiếu tinh thần trách nhiệm…

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục