Được đáp ứng yêu cầu, công nhân Ivory Việt Nam trở lại làm việc

Sau gần một tuần nghỉ việc tập thể, khoảng 1.500 công nhân Công ty Ivory Việt Nam đã quay trở lại làm việc sau khi công ty đáp ứng một số nguyện vọng của công nhân.

Sau gần một tuần nghỉ việc tập thể, ngày 18/7, khoảng 1.500 công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Ivory Việt Nam (vốn đầu tư 100% của Hàn Quốc, chuyên sản xuất hàng may mặc) có trụ sở tại Km6+500, quốc lộ 10, thị trấn Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã quay trở lại làm việc bình thường.

Trước đó, vào ngày 12/7 có khoảng 1.500/2.300 công nhân tại 24 dây chuyền may của Công ty này đã nghỉ việc tập thể. Vụ việc trải qua nhiều ngày đã khiến tuyến đường Quốc lộ 10 huyết mạch nối tỉnh Thái Bình với các tỉnh lân cận Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh đoạn qua khu vực Công ty Ivory Việt Nam bị ách tắc cục bộ, gây cản trở giao thông.

Nguyên nhân chính dẫn đến công nhân nghỉ việc tập thể do Công ty áp dụng khoán sản phẩm với mức tính đơn giá quá thấp, hoặc không công khai đơn giá ngay từ ban đầu; chậm trả lương cho công nhân, nhất là khoản thu nhập công nhân làm tăng ca, thêm giờ…

Sau khi Liên đoàn lao động huyện Vũ Thư, lãnh đạo công ty và đại diện người lao động có buổi làm việc, phía Công ty Ivory Việt Nam đã thống nhất giải quyết một số nguyện vọng của công nhân. Cụ thể, tổng đơn giá một sản phẩm sẽ chuyển xuống cho dây chuyền may khi bắt đầu giải dây chuyền, còn đơn giá chi tiết của từng công đoạn sẽ được công khai sau ba ngày giải dây chuyền. Công ty sẽ trả lương và thu nhập làm thêm giờ theo mức lương tối thiểu của bậc một (thợ may 2,1 triệu đồng; thợ phụ 1,9 triệu đồng).

Công ty chỉ bù lương cho những người không đạt mức lương bậc một của thợ may và thợ phụ trong ba tháng, quá thời gian này công ty sẽ xem xét và đào tạo lại tay nghề. Công ty cũng chỉ trả lương cho thời gian ngừng việc trong trường hợp lỗi do kỹ thuật, thiếu nguyên phụ liệu, không phải do lỗi của người lao động.

Đợt nghỉ việc này không phải lần đầu công nhân Công ty Ivory Việt Nam tại Thái Bình thực hiện. Trước đó, công nhân đã có hai lần nghỉ việc tập thể để đòi quyền lợi trong năm 2011 và 2013. Nhằm hạn chế tình trạng này, phía Công ty thống nhất đối thoại trực tiếp với công nhân định kỳ 3 tháng/lần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục