"Đường bơi" tới huy chương vàng của kình ngư Ánh Viên

Từ chỗ bị từ chối lên đội tuyển đầu năm 2010, đến cuối năm 2014, Viên đã được Liên đoàn bơi lội thế giới xếp hạng 14 thế giới nội dung 400m hỗn hợp và đạt 3 chuẩn A Olympic…

5 năm kể từ ngày đầu tiên được khoác áo tuyển thủ cho đến hôm nay – một quãng đường không phải là quá dài nhưng trong năm năm ấy, Viên đã tiến bộ nhanh ở mức thần kỳ: Từ chỗ bị từ chối lên đội tuyển đầu năm 2010, đến cuối năm 2014, Viên đã được Liên đoàn bơi lội thế giới xếp hạng 14 thế giới nội dung 400m hỗn hợp và đạt ba chuẩn A Olympic…

"Đường bơi" tới huy chương vàng của kình ngư Ánh Viên ảnh 1

Ánh Viên đang ở đâu?

Vừa trải qua một chu kỳ đỉnh cao với 8 huy chương vàng, phá 8 kỷ lục SEA Games tại SEA Games 28, nhưng những chỉ số của Viên ở Cup bơi lội thế giới tại Nga vừa qua vẫn đủ chứng tỏ Viên không bị hụt so với chính cô ở SEA Games 28 cách đây chỉ hai tháng (thông thường phải sau sáu tháng, thậm chí hơn thế, một vận động viên mới đạt trở lại chu kỳ đỉnh cao tiếp theo).

Tại giải vô địch thế giới vừa qua, tuy không đến mức làm dậy sóng đường đua xanh nhưng Ánh Viên đã cho thấy có những tiến bộ về chỉ số thành tích ở nội dung 200m hỗn hợp nữ và trở thành vận động viên Việt Nam đầu tiên lọt vào giải đấu bán kết lớn nhất hành tinh.

Theo nhận định của giới chuyên môn, đến thời điểm này, Ánh Viên đã có một cái nền khá rộng, một chân đế khá vững chắc khi cô có nhiều nội dung để chọn lựa, trước khi tập trung vào một số mũi nhọn có khả năng giành huy chương Asiad hay thế giới.

Hiện tại Viên đã đoạt 3 chuẩn A (vé chính thức) dự Olympic Brazil 2016 sắp tới, ở các nội dung 400m hỗn hợp, 200m hỗn hợp và 200m tự do…

Nhận định về chỗ đứng hiện nay của Ánh Viên trong làng bơi lội thế giới cũng như trên bước đường sự nghiệp của cô, huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn nói: “Mọi thành tích mà Viên đạt được đến bây giờ mới chỉ là bước đầu và hiện tại vẫn chưa là gì cả so với 'mênh mông bể sở' của bơi lội thế giới. Nhưng từ năm thứ năm trở đi, khi bước vào giai đoạn tăng tốc, Viên sẽ khác…”

"Đường bơi" tới huy chương vàng của kình ngư Ánh Viên ảnh 2

Ánh Viên từ đâu đến?

Lên 10 tuổi, Ánh Viên mới biết bơi- độ tuổi hơi muộn đối với một người bình thường, chứ chưa nói đến một vận động viên. Và là tập bơi theo kiểu tự phát, cây nhà lá vườn, chứ không bài bản gì cả.

Chính vì vậy mà bốn năm sau, Viên chưa hề có được một thành tích nào trong nước.

Thời điểm cô đầu quân cho Trung tâm Thể dục Thể thao Quốc phòng 4, Quân khu 9, người thầy của cô bây giờ đã phải rất khổ sở mới thuyết phục được lãnh đạo ngành đưa Viên vào danh sách đội tuyển trẻ quốc gia, chứ chưa dám nói đến đội tuyển lớn.

Lý do ông Tuấn “bám đuổi” Viên theo ông là “vì ở Viên có gì đó vô cùng đặc biệt."

Về thể hình, Viên có cấu tạo cơ thể cực kỳ phù hợp với môn bơi. Diện tích lòng bàn tay rộng, lưng dài, bàn chân to như đàn ông trưởng thành và sải tay thì rất "khủng."

Thông thường, sải tay một người bình thường có độ dài tương đương với chiều cao. Còn Viên thì khác: cao 1,73m nhưng sải tay thì dài 1,79m.

Cuối năm 2010, Viên mới được gọi bổ sung vào đội tuyển bơi Việt Nam. Cuối năm 2011, Viên lần đầu tham dự SEA Games 26 tại Indonesia và thành tích là… trắng tay.

Mặc dù vậy, những con mắt tinh nghề trong giới vẫn nhận ra tố chất tuyệt vời ở kình ngư trẻ tuổi này và quyết định đưa Viên vào danh sách những vận động viên tài năng, cần đầu tư trọng điểm và đầu tư dài hơi.

Đầu năm 2012, hai thầy trò Viên được tạo điều kiện sang Mỹ tập huấn. Viên được đăng ký khoác áo câu lạc bộ St Augustine và là người Việt Nam duy nhất tập ở một trong những câu lạc bộ chuyên về bơi lội nổi tiếng của Mỹ.

Việc đào tạo Viên được tiến hành gần như lại từ đầu theo chuẩn Mỹ với kỷ luật khắt khe nhất. Có bữa Viên vừa tập vừa khóc.

Năm 2015, Viên chuyển sang câu lạc bộ nổi tiếng khác của Mỹ là Ebiscobal và được dẫn dắt bởi chuyên gia Cray Anthony Teeters, người từng có công tham gia huấn luyện hơn 90 vận động viên đoạt huy chương các loại tại Olympic, trong đó có kình ngư số 1 và số 2 nước Mỹ…

"Đường bơi" tới huy chương vàng của kình ngư Ánh Viên ảnh 3

Khoản tiền đầu tư dành cho Viên tịnh tiến sau mỗi năm. 3 tỷ đồng trong năm 2012, 5 tỷ đồng năm 2013, 6 tỷ đồng cho năm 2014 và năm nay lên đến gần 7 tỷ đồng. Thành tích cũng tăng tỷ lệ thuận.

Ông Tuấn nói: “Đã huấn luyện rất nhiều vận động viên nhưng tôi chưa thấy vận động viên nào có ý chí mãnh liệt như Viên. Ý chí, nghị lực đó có khi còn lớn hơn cả khả năng của chính Viên. Nhờ tinh thần sắt đá mà Viên đã có những đột phá vô cùng ấn tượng về mặt thành tích chỉ trong một thời gian ngắn…”

Chiếc “vòng kim cô” của Ánh Viên

Viên có một “ông thầy khó chịu”, nổi tiếng nghiêm khắc là huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn.

Giải thích cho chính sách “thiết quân luật” ấy của mình đối với cô học trò cưng, ông Tuấn từng nói: “Để đào tạo một vận động viên có đẳng cấp thế giới thì mọi thứ xung quanh vận động viên ấy phải chuyên nghiệp gần như ở mức tuyệt đối và tối đa. Viên đã, đang và tiếp tục phải sống trong môi trường chuyên nghiệp cực kỳ khắc nghiệt. Đừng quên tôi đang đào tạo một vận động viên đẳng cấp cao, một hình tượng của thể thao Việt Nam, chứ không phải dạy dỗ một đứa con. Huấn luyện viên đỉnh cao thì phải 'máu lạnh', nếu không sẽ thất bại."

Dưới cái “vòng kim cô” của kỷ luật, Ánh Viên là một người trẻ hiếm hoi gần như đứng ngoài thế giới mạng: không được phép dùng Facebook, thậm chí còn không biết dùng thư điện tử…

Ông thầy của Viên xác nhận: “Đúng là Viên không có trang cá nhân riêng. Nhưng so với nhận thức của bạn bè cùng trang lứa, Viên không hề thua kém, nếu không muốn nói là còn tốt hơn. Có nhiều cách giúp cho Viên nạp kiến thức và Viên hiện đang nạp rất tốt. Viên không ngơ ngác. Viên trong sáng và hồn nhiên, đáng yêu chứ không dị biệt...”

"Đường bơi" tới huy chương vàng của kình ngư Ánh Viên ảnh 4

Duy nhất có một lần cởi mở với báo chí là sau khi đại thắng trở về từ SEA Games 28, “ông thầy khó chịu” của Ánh Viên giải thích: “Đó là vì tôi muốn thành công và sự nỗ lực tột độ của Ánh Viên tác động vào nhận thức của giới trẻ. Điều làm tôi vui không chỉ vì 8 huy chương vàng, 8 kỷ lục SEA Games của Viên mà còn vì hiệu ứng xã hội mạnh mẽ mà Viên đã tạo ra, để ít nhất giúp thế hệ 9X nhìn vào Viên như một tấm gương sáng mà học tập. Tôi đã thấy Viên mang hình tượng của một anh hùng tạo nên thời thế, chứ không phải thời thế tạo nên Ánh Viên. Ở một góc độ nào đó, tuy không phải siêu phàm nhưng Viên cũng đã tạo nên một trang sử mới cho thể thao Việt Nam…”

Có một quyết tâm ngùn ngụt trên đường đua xanh khi cô ấy mãnh liệt vươn những sải tay thần kỳ về đích. Có một dòng lửa Việt trong mình khi cô ấy nhất định phải bước lên bục vinh quang cùng lá cờ đỏ sao vàng qua tám lần giành huy chương vàng và phá tám kỷ lục SEA GAMES…

“Lửa trên Nước”, nhưng không là xung khắc – theo thuyết ngũ hành, mà là tương hỗ, cộng hưởng, để làm nên một Ánh Viên cháy sáng như Lửa và mạnh mẽ như Nước, chỉ sau năm năm chuyển động thần kỳ từ con số 0.

Và lúc này, Lửa lại đang tiếp tục cháy trên Nước, vì cô ấy đang đau đáu hướng về Olympic Brazil 2016- khó khăn hơn nhiều, và cũng quyết liệt hơn…
 
(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục