Đường đi kỳ lạ của công văn trả lời dân tại huyện Thạch Thất

Bài 6: Đường đi kỳ lạ của công văn trả lời dân tại huyện Thạch Thất

Thời điểm công văn trả lời ban hành là 13/10 nhưng phải mất đến… một tháng, để văn bản trên được chuyển từ cấp huyện về các xã, ngay khi phóng viên VietnamPlus vừa bắt đầu vào cuộc tìm hiểu vụ việc.
Bài 6: Đường đi kỳ lạ của công văn trả lời dân tại huyện Thạch Thất ảnh 1Chị Chu Thị Thêu - cựu cán bộ chuyên trách dân số xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Trước kết quả hết sức bất ngờ của kỳ tuyển dụng viên chức năm 2015, cuối tháng Tám, một số cựu cán bộ phụ trách dân số cấp xã đã cùng làm đơn khiếu nại gửi lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất, Hà Nội để yêu cầu làm rõ một số vấn đề có liên quan. Tuy nhiên, phải đến tận gần giữa tháng 11 cùng năm, công văn trả lời của cấp có thẩm quyền mới có thể tới tay người khiếu nại.

[Chuyện đời của cán bộ dân số Thạch Thất "bỗng dưng" mất việc]

Đáng chú ý, mặc dù thời điểm công văn được ban hành là ngày 13/10/2015 nhưng phải mất đến… một tháng, để văn bản trên được chuyển từ cấp huyện về các xã, ngay khi phóng viên VietnamPlus vừa bắt đầu vào cuộc tìm hiểu về vụ việc.

Mỏi mòn chờ hồi đáp khiếu nại

Theo phản ánh của các chị Khuất Thị Chiều, Chu Thị Thêu, Bùi Thị Hương cùng một số cựu cán bộ dân số cấp xã tại huyện Thạch Thất, vào cuối tháng 8/2015, do không đồng tình với kết quả kỳ tuyển dụng viên chức diễn ra trước đó không lâu, họ đã có đơn khiếu nại gửi Chủ tịch huyện là ông Trần Đức Nguyên.

“Trong đơn khiếu nại này, chúng tôi có yêu cầu đồng chí Chủ tịch Ủy ban ​Nhân dân huyện giải đáp một số điểm có dấu hiệu bất thường liên quan đến kỳ tuyển dụng viên chức tháng 7/2015. Chúng tôi đều hy vọng sẽ nhận được câu trả lời chính thức để sớm ổn định tư tưởng,” chị Chu Thị Thêu, một trong những người đứng đơn cho hay.

Tuy nhiên, những mong mỏi của người dân hướng tới Chủ tịch Ủy ban ​Nhân dân huyện Thạch Thất bất ngờ rơi vào im lặng. Những cựu cán bộ dân số xã dần dần mất đi hy vọng có được câu trả lời từ Ủy ban Nhân dân huyện. Họ lại đội đơn gõ cửa nhiều cơ quan khác nhau những mong đòi lại được một phần quyền lợi vốn đã quá còm cõi của mình.

[Thảm cảnh của những người “bỗng dưng thất nghiệp” ở Thạch Thất]

Chị Bùi Thị Hương, nguyên cán bộ phụ trách dân số xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất chia sẻ: “Suốt thời gian đợi trả lời từ cấp trên, cuộc sống của chúng tôi liên tục bị đảo lộn.”

Theo chị, khi chưa có hồi đáp chính thức, thì ngay tháng 10/2015, chị rụng rời khi nhận được giấy thông báo thôi trả lương từ Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa Gia đình huyện Thạch Thất. Liền sau đó, giống như nhiều trường hợp tương tự khác, chị bị buộc phải bàn giao lại công việc vốn đã gắn bó nhiều năm với mình cho người khác.

Bài 6: Đường đi kỳ lạ của công văn trả lời dân tại huyện Thạch Thất ảnh 2Chị Bùi Thị Hương - cựu cán bộ chuyên trách dân số xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Khá bi hài là trường hợp của chị Khuất Thị Chiều, nguyên cán bộ dân số xã Cẩm Yên. Mặc dù có thâm niên 12 năm làm việc, chị Chiều cũng vừa nhận quyết định thôi trả lương sau kỳ tuyển dụng. Trớ trêu hơn, trong đợt tuyển dụng đó, xã Cẩm Yên không có ai đỗ viên chức vào vị trí cán bộ chuyên trách dân số. Nữ cán bộ này cho hay, chị liên tục được vận động “rút đơn” để được nhận lại công việc của mình.

“Đơn gửi mà không được trả lời, lại liên tục nhận được đề nghị rút, chúng tôi vô cùng hoang mang,” đại diện nhóm đứng đơn bày tỏ.

Đường đi dài… 1 tháng từ huyện xuống xã

Khi mọi hy vọng nhận được câu trả lời từ huyện Thạch Thất đang dần tắt thì bất ngờ, đầu tháng 11/2015, các cựu cán bộ phụ trách dân số xã lại nhận được công văn số 1542/UBND-NV về việc trả lời đơn kiến nghị về chế độ chính sách và việc tuyển dụng viên chức làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình xã do Phó Chủ tịch Ủy ban huyện Kiều Hoàng Tuấn ký và ban hành.

Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng thì họ lại “ngã ngửa” vì những điểm kỳ lạ rất khó lý giải ở văn bản phúc đáp này.

Cung cấp cho phóng viên một số công văn số 1542, chị Thêu cho hay: Trong khi đơn gửi đi đề rõ là Khiếu nại thì văn bản trả lời lại “lạc đề” sang thành “trả lời đơn kiến nghị.”

Khôi hài hơn, thời điểm các chị Thêu, Chiều, Hương… nhận được văn bản này là khoảng đầu tháng 11/2015; trong khi công văn 1542 đã được bút phê và ban hành từ trước đó cả tháng [Ngày 13/10-PV].

Điển hình, trong văn bản gửi tới chị Chu Thị Thêu, Ủy ban nhân dân xã Thạch Xá xác nhận số công văn đến là 1012, ngày 12/11/2015.

Tương tự là trường hợp của chị Khuất Thị Hiền tại xã Đại Đồng, khi công văn phúc đáp đến tay chị vào ngày 14/11.

Thấy kỳ lạ, một số cựu cán bộ y tá cấp xã còn cẩn thận yêu cầu bưu tá ghi thêm xác nhận ngày chuyển công văn để “tiện bề” đối chứng về sau. Vì thế, cuối công văn 1542 được chuyển đến tay chị Khuất Thị Chiều, xã Cẩm Yên còn lưu bút tích như sau: “Tôi… bưu tá xã Cẩm Yên có đưa công văn này cho cô Chiều vào ngày 13/11/2015.”

Khá trùng hợp là ngày những vị nguyên đơn khốn khổ này lần đầu được “mục sở thị” câu trả lời do Phó Chủ tịch Kiểu Hoàng Tuấn ký, ban hành lại chỉ sau khi nhóm phóng viên VietnamPlus vào cuộc chỉ vài ngày.

Như vậy, tính từ thời điểm ban hành đến khi công văn 1542/UBND-NV đến được với tay người có liên quan mất hơn 1 tháng.

Bài 6: Đường đi kỳ lạ của công văn trả lời dân tại huyện Thạch Thất ảnh 3Mặc dù ban hành từ tháng 10, nhưng tới đầu tháng 11, công văn trả lời từ huyện mới về đến xã. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để tiện cho bạn đọc so sánh, chúng tôi xin dẫn ra một vài ví dụ cho thấy đường đi của các công văn khác từ cấp huyện tới xã của Thạch Thất.

Ngày 25/9/2015, sau kỳ tuyển dụng viên chức, bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Thạch Thất có soạn công văn số 28 CV/TTDS gửi xã Bình Phú và bà Nguyễn Thị Nhài, cán bộ dân số xã này. Công văn này báo để xã Bình Phú và bà Nhài biết trung tâm sẽ thôi trả lương cho bà Nhài từ đầu tháng 10. Thay vì mất 1 tháng để xuống cấp xã, ngay ngày 25/9, xã Bình Phú xác nhận đã “đón được” văn bản này.

Bài 6: Đường đi kỳ lạ của công văn trả lời dân tại huyện Thạch Thất ảnh 4Trong khi công văn thông báo việc thôi lương từ Trung tâm dân số huyện mất chưa đầy 24 tiếng để về đến xã... (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại xã Thạch Xá, một công văn với nội dung tương tự, ngày ban hành tương tự cũng được gửi tới. Và rất nhanh chóng, chỉ 3 ngày sau, tới 28/9, xã Thách Xá đã ngay lập tức ra công văn chấm dứt hợp đồng cán bộ dân số với chị Chu Thị Thêu.

Vì vậy, có thể khẳng định, đường đi của công văn hồi đáp số 1542/UBND-NV là hết sức “bất bình thường.”

Đem thắc mắc trên tới gặp ông Nguyễn Mạnh Hồng, nguyên Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức huyện Thạch Thất, Phó Chủ tịch Thường trực huyện, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: Huyện sẽ khẩn trương cho kiểm tra lại đường đi kỳ lạ nói trên.

Tuyển dụng theo kiểu cá mè một lứa; công văn hồi đáp đơn khiếu nại “mắc kẹt” hơn 1 tháng trước khi tới tay công dân… chỉ là một trong những điều bất thường đang tồn tại trước, trong và sau kỳ tuyển dụng viên chức tháng 7/2015 tại Thạch Thất.

Trong quá trình tiếp cận vụ việc, phóng viên VietnamPlus còn phát hiện ra việc nhiều cán bộ dân số đang làm việc trong dạng không có hợp đồng lao động, trong khi vẫn nhận lương từ ngân sách hàng tháng.

VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất tới độc giả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục