Đứt cáp quang ảnh hưởng tới giao dịch Internet đi quốc tế

Đứt cáp quang biển ảnh hưởng tới các giao dịch Internet đi quốc tế

Vào 5 giờ 17 phút ngày 23/4, phân đoạn cáp quang SH1 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hong Kong của tuyến cáp AAG đã bị đứt, đây là sự cố lần thứ 2 trong năm.

Theo thông tin từ Trung tâm điều hành cáp quang biển quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (AAG), vào 5 giờ 17 phút ngày 23/4, phân đoạn cáp SH1 từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hong Kong của tuyến cáp AAG đã bị đứt.

Đây là lần thứ 2 trong năm 2015 xảy ra sự cố đứt cáp quang biển, ảnh hưởng đến tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam đang khai thác tuyến cáp này như VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom…

Sự cố này khiến việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của các khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… bị chậm. Tuy nhiên, các giao dịch, trao đổi thông tin trong nước không bị ảnh hưởng.

Đại diện Tập đoàn Viễn thông Việt Nam VNPT cho biết ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-I) đã khẩn trương tiến hành các biện pháp để xác định được khu vực sự cố; đồng thời, tích cực làm việc với nhà quản trị hệ thống AAG, các công ty tàu cáp quốc tế và các thành viên của các hệ thống khác để ưu tiên cho việc sửa chữa tuyến AAG một cách sớm nhất.

Về phía Viettel, để đảm bảo duy trì kết nối dịch vụ cho khách hàng, ngay sau thời điểm xảy ra sự cố, Viettel đã có phương án bổ sung dung lượng kết nối trên các hướng quốc tế đi qua cáp quang biển liên Á (IA) và 2 hướng cáp quang đất liền đi qua ChinaTelecom và ChinaUnicom.

Đại diện Viettel khẳng định với các phương án này, khách hàng của Viettel sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự cố đứt cáp quang biển AAG, kể cả trong các khung giờ cao điểm.

Với CMC Telecom, ông Đặng Tùng Sơn, Phó Tổng giám đốc CMC Telecom cho biết hiện nhà mạng này chỉ sử dụng 15% lưu lượng kết nối từ tuyến cáp quang biển AAG nên mức độ ảnh hưởng tới khách hàng khi truy cập Internet hướng quốc tế rất nhỏ.

Hiện tại, truy cập Internet ra hướng quốc tế của khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kênh thuê riêng Internet Leased Line của CMC Telecom hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự cố. Tuy nhiên, khách hàng sử dụng dịch vụ Internet trên truyền hình cáp sẽ truy cập Internet hướng ra quốc tế chậm hơn bình thường.

Đối với FPT Telecom, doanh nghiệp này đã triển khai việc sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới khách hàng.

Theo kinh nghiệm của các nhà mạng từ những lần đứt cáp quang trước, sự cố này sẽ phải mất khoảng 2-3 tuần để khắc phục xong, phục hồi hoàn toàn đường truyền trên tuyến cáp này.

Trước đó, vào ngày 5/1, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã gặp sự cố tại đoạn rẽ nhánh vào trạm cập bờ Vũng Tàu. Phải sau 3 tuần, vào trưa ngày 23/1, công tác khắc phục sự cố mới hoàn tất.

Trong năm 2014, tuyến cáp quang biển AAG cũng liên tục đứt khiến Internet đi quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thực trạng trên đòi hỏi các doanh nghiệp của Việt Nam phải tính đến phương án kết nối khác nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của sự cố đứt cáp quang biển đối với người sử dụng dịch vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục