Duy trì Lực lượng hải quân Liên minh châu Âu chống nạn cướp biển

Nhằm đối phó với tình hình cướp biển tại vịnh Aden và vùng bờ biển Somalia, Nhóm tiếp xúc về cướp biển ngoài khơi Somalia (CGPSC) kêu gọi duy trì Lực lượng hải quân Liên minh châu Âu.
Duy trì Lực lượng hải quân Liên minh châu Âu chống nạn cướp biển ảnh 1Lực lượng đặc nhiệm chống cướp biển của Pháp tuần tra tại khu vực ngoài khơi thành phố Bosasso thuộc vùng bán tự trị Puntland, Somalia. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, nhằm đối phó với tình hình cướp biển tại vịnh Aden và vùng bờ biển Somalia, Nhóm tiếp xúc về cướp biển ngoài khơi Somalia (CGPSC) đã kêu gọi duy trì Lực lượng hải quân Liên minh châu Âu (EUNAVFOR).

Bên cạnh đó, Chính phủ Somalia cũng đang tìm kiếm các giải pháp tăng cường lực lượng an ninh riêng của nước này.

Vấn nạn cướp biển tại Somalia đã tạm lắng trong 5 năm cho tới khi xảy ra hàng loạt vụ cướp biển hồi tháng Ba và tháng Tư vừa qua.

[Cướp biển Somalia tiếp tục hoành hành, tấn công tàu đánh cá Iran]

Theo một tài liệu được công bố trong một hội nghị vừa diễn ra tại Mauritius, với sự tham dự của hơn 200 đại diện các cơ quan chính phủ, thể chế quốc tế và các tổ chức phi chính phủ (NGO), EUNAVFOR thống kê có 6 vụ tấn công cướp biển ở ngoài khơi Somalia trong khoảng thời gian từ ngày 13/3-22/4 vừa qua.

Báo cáo cho thấy các vụ cướp biển nói trên, trong đó phần lớn có mục đích là bắt cóc con tin, đã bị triệt phá và không có bất cứ thương vong nào. Điều này thể hiện sự hiệu quả của công tác thông tin, báo động và hợp tác quốc tế về chống cướp biển được triển khai từ năm 2009.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm An ninh hàng hải vùng Sừng châu Phi (MSCHOA) Simon Church cho biết những tên cướp biển không còn hoạt động mang tính tổ chức như trước đây mà giờ chúng chỉ chờ cơ hội thực hiện các vụ tấn công.

Mặc dù có mức độ tàn bạo và tính tổ chức kém hơn trước đây, nhưng các vụ cướp biển vừa qua phản ánh sự yếu kém của lực lượng an ninh Somalia.

Theo CGPSC, sự nguy hiểm sẽ còn kéo dài chừng nào tình hình an ninh tại Somalia chưa được giải quyết.

Thay mặt cho chính phủ, Bộ trưởng Ngư nghiệp và Nguồn lợi biển Somalia, ông Abdirahman Abdi Hashi nhấn mạnh rằng Somalia đã phải trải qua cuộc nội chiến dài 30 năm, mọi thể chế đều bị phá hủy.

Đất nước Somalia đã xây dựng lại từ con số không và đã có những tiến bộ với việc thành lập nhiều cơ chế để đào tạo cán bộ, thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển cũng như lực lượng hải quân.

Lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Somalia hiện chỉ có 7 tàu, chính vì vậy nước này mong muốn có 50 tàu và một trung tâm chỉ huy để có thể giám sát vùng biển Somalia.

Chính phủ Somalia hy vọng nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về vấn đề này.

Những công cụ giám sát quan trọng không chỉ giúp Somalia trấn áp nạn cướp biển mà còn làm giảm các hoạt động đánh bắt cá trái phép ở ngoài khơi nước này, ước tính gây thiệt hại từ 400 triệu USD đến 1 tỷ USD mỗi năm.

Vùng biển ngoài khơi Somalia vốn là một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới với khoảng 20.000 lượt tàu thuyền qua lại mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục