E ngại "hạt nhựa" trong trà sữa trân châu

Thông tin hạt trân châu sản xuất ở Trung Quốc có chứa polymer làm một số cửa hàng bán trà sữa trân châu ở Hà Nội vắng khách.
Những ngày qua, thông tin hạt trân châu - một thành phần trong món trà sữa trân châu, sản xuất ở Trung Quốc có chứa polymer, một dạng chất dẻo có thể làm thay đổi nội tiết cơ thể, thậm chí gây ung thư, đã làm một số cửa hàng bán thứ đồ uống này ở Hà Nội trở nên thưa khách.

5 ngày sau khi báo chí đưa thông tin đăng tải trên báo Trung Quốc về hạt trân châu sản xuất tại nước này chứa polymer, phóng viên đã khảo sát chợ đầu mối Đồng Xuân và nhận thấy trân châu vẫn được bán công khai.

Hầu hết các sạp hàng, bày bán trân châu sản xuất trong nước. Chỉ có hai màu: trắng và đen. “Đây là trân châu của công ty Long Đạt sản xuất, được nhập từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là trân châu Trường Lạc...”, một người bán hàng trên chợ Đồng Xuân giới thiệu để chứng tỏ cửa hàng mình không bán trân châu không rõ nguồn gốc. Không có dấu vết gì về trân châu nhập từ Trung Quốc.

Tại một số cửa hàng, trân châu không bày công khai mà được giấu kỹ trong kho. Khi có khách hỏi, người bán ngó người mua một lượt từ chân lên đầu, vẻ rất cảnh giác, rồi mới dò hỏi: “Mua bao nhiêu? Có màu tím, màu xanh, các màu. Lấy màu gì?”. Giá hạt trân châu bán trên thị trường không đồng đều.

Tại chợ Đồng Xuân, trân châu được bán với giá 12.000 - 14.000 đồng/kg, nhưng ở chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy) lại tới 40.000 đồng/kg. Khi được hỏi hầu hết các chủ cửa hàng trà sữa trân châu đều khẳng định có thể đảm bảo về chất lượng nguyên liệu.

Ông chủ một quán trà sữa trân châu ở phố Lương Thế Vinh còn tỏ ra nghi hoặc trước thông tin trân châu chứa polymer. “Thứ sáu tuần trước, có một khách vào mua hàng nói chuyện đó tôi mới biết. Nhưng làm gì có chuyện đó? Đó là chuyện ở Trung Quốc. Còn cửa hàng chúng tôi mở đã 4 năm nay, nguồn hàng rất đảm bảo".

Tuy nhiên, khi được hỏi về giá cả và nguồn gốc hạt trân châu này, lấy cớ là “bí quyết kinh doanh”, ông này loanh quanh không tiết lộ.

Còn ở một cửa hàng khác tại phố Kim Mã, nữ nhân viên bán hàng có sẵn cả giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng sản phẩm. Cô rất tự tin: “Đây là chứng nhận của bên công ty cấp nguyên liệu cho chúng em. Người ta bảo nếu có cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, chỉ việc trình giấy này ra. Mọi chuyện sẽ có công ty lo”.

Mong sớm có kết quả kiểm tra

Các cửa hàng bán trà sữa trân châu hiện nay mọc lên nhan nhản ở Hà Nội. Tại khu vực Đại học Hà Nội, trong bán kính khoảng 1km, tính sơ cũng gần chục quán. Mỗi cốc trà sữa trân châu được bán với giá 6.000 - 8.000 đồng.

Với ưu điểm giá rẻ, màu sắc hấp dẫn, mát, đây là thức uống được nhiều học sinh ưa thích. “Trời càng nắng, hàng bán càng chạy. Có ngày thứ bảy, chủ nhật, cửa hàng bán hết 6 - 7kg trân châu”, nữ nhân viên cửa hàng ở Kim Mã cho biết.

Cửa hàng ở Lương Thế Vinh đến nay vẫn bán hàng. Chủ cửa hàng cho biết: “Mặc dù chưa rõ thực hư trân châu trong nước có polymer hay không nhưng từ 5, 6 ngày nay, việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng, tuy chưa thật rõ rệt, vì đây là thời điểm học sinh đang nghỉ hè. Mấy ngày nay chúng tôi thường xuyên theo dõi mạng để xem có thông tin gì khác nhưng chỉ mới biết là cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm đã lấy mẫu đi kiểm tra, xét nghiệm. Chúng tôi cũng mong các cơ quan y tế sớm có kết luận để việc buôn bán trở lại bình thường”.

Sau thông tin về hạt trân châu của Trung Quốc được lan truyền trên mạng internet, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết Sở đã tiến hành lấy mẫu trân châu trên thị trường để xét nghiệm về màu sắc, độ ngọt, nhất là thành phần polymer trong hạt trân châu. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Sở sẽ công bố để người dân được biết.

Theo nhiều nhà khoa học, polymer là tên chung của một loại chất dẻo là hợp chất có chứa các nguyên tố như cácbon, nitơ, clo... Đây là chất không thể ăn được. Nếu đưa vào cơ thể người, nồng độ cao có thể gây ngộ độc cấp tính, nồng độ thấp mà tích luỹ lâu dần trong cơ thể có thể làm thay đổi nội tiết của cơ thể, thậm chí gây ung thư. /.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục