ECB có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone

ECB có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng tới, và tiếp tục cắt giảm lãi suất nếu cần thiết.
Thành viên Hội đồng điều hành Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đồng thời là Thống đốc Ngân hàng trung ương Bỉ, Luc Coene, hôm cuối tuần cho hay ECB có thể sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng tới, và tiếp tục cắt giảm lãi suất nếu cần thiết.

Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, ông Coene cho hay số liệu tăng trưởng ECB sắp công bố sẽ không có sự khác biệt lớn so với dự báo hồi tháng 3/2012. Tuy tốc độ tăng trưởng có thể giảm nhẹ, nhưng không mạnh hay mang tính nền tảng.

Cuộc thăm dò ý kiến của các nhà dự báo chuyên nghiệp hồi tuần trước cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2012 sẽ thấp hơn dự đoán. Các chuyên gia kinh tế cho rằng số liệu dự kiến công bố ngày 15/5 sẽ cho thấy Eurozone lâm vào suy thoái trở lại trong quý 1/2012.

Trong tổng số 17 nước Eurozone, có 8 nước đã rơi vào suy thoái. Ủy ban châu Âu mới đây dự báo kinh tế Eurozone sẽ giảm 0,3% trong năm 2012.

Ông Coen cho rằng hiện chưa xuất hiện nguy cơ lạm phát nào trong năm nay. Tuy nhiên, nếu thực tế này thay đổi, các biện pháp không theo chuẩn mực của ECB, như các khoản cho vay thời hạn 3 năm, có thể không ngáng trở việc ECB tăng lãi suất. Ngược lại, theo quan điểm của ông, lãi suất khu vực này vẫn chưa chạm ranh giới 0%. ECB cũng chưa sử dụng hết hoàn toàn "các công cụ khẩn cấp."

Lãi suất Eurozone hiện ở mức thấp kỷ lục 1% và ngoài biện pháp hạ lãi suất, ECB đã bơm trên 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) vào hệ thống tài chính khu vực này thông qua hai đợt tái cấp vốn thời hạn 3 năm, với đợt thứ nhất trong tháng 12/2011 và đợt thứ hai vào tháng 2/2013, nhằm làm giảm nỗi lo ngại của các bên tham gia thị trường về kinh tế Eurozone trong quý 1/2012.

Theo ông Coene, các bức tường lửa của khối này sẽ "đủ cao" ngay cả khi cuộc khủng hoảng nợ xấu đi. Tuy nhiên, ECB sẽ không cung cấp các khoản trợ giúp tiền mặt khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp bị vỡ nợ, bởi đây là một trong những nguyên tắc của chính sách chung ELA. Các đợt mua trái phiếu của ECB - nếu tiếp tục được tiến hành - cũng không phát huy tác dụng, bởi hiệu quả còn tùy thuộc vào việc chính phủ các nước thực hiện các chương trình cải cách cơ cấu để giành lại lòng tin của các nhà đầu tư./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục