ECB để ngỏ khả năng mở rộng chương trình kích thích kinh tế

Chủ tịch ECB Mario Draghi nói các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẵn sàng hành động nếu những biến động tại Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế toàn cầu gây tổn hại đến Eurozone.
ECB để ngỏ khả năng mở rộng chương trình kích thích kinh tế ảnh 1Chủ tịch ECB Mario Draghi. (Ảnh: AP)

Kết thúc cuộc họp ngày 3/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo có thể mở rộng chương trình mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế, khi triển vọng tăng trưởng và lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) không sáng sủa.

Cho rằng hãy còn quá sớm để xác định mức độ tác động về kinh tế từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và giá dầu thấp, ECB giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,05%.

Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Mario Draghi nói các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẵn sàng hành động nếu những biến động tại Trung Quốc và tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn gây tổn hại đến đà phục hồi còn chậm ở Eurozone.

Đề cập đến chương trình nới lỏng định lượng (QE), ông Draghi cho biết có sự linh hoạt về quy mô, các biện pháp và thời gian khi thực hiện chương trình này. Ông nói chương trình QE dự kiến sẽ được triển khai đến tháng 9/2016, nhưng có thể được kéo dài hơn trong trường hợp cần thiết.

Theo nhà kinh tế Holger Schmieding thuộc Berenberg Bank, những từ ngữ mà ECB lựa chọn cho thấy ECB sẽ không do dự trong việc tăng quy mô và kéo dài chương trình mua tài sản hơn so với thời gian dự kiến, nếu triển vọng tăng trưởng và lạm phát kém đi nhiều.

Nhà tư vấn kinh tế Tom Rogers thuộc EY Eurozone Forecast có cùng quan điểm, cho rằng ECB không điều chỉnh chính sách trước những biến động gần đây trên thị trường và tình trạng kinh tế Trung Quốc giảm tốc, nhưng việc điều chỉnh giảm dự báo lạm phát năm 2016 (từ 1,5% xuống 1,1%) có thể hiểu là QE sẽ được kéo dài hơn dự tính ban đầu.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Joerg Kraemer của Commerzbank dự đoán ECB nhiều khả năng sẽ quyết định tăng quy mô hơn là kéo dài chương trình QE tại cuộc họp vào tháng 12 tới.

Lo ngại về giảm phát là lý do để ECB khởi động chương trình QE, theo đó mỗi tháng mua 60 tỷ euro (68 tỷ USD) trái phiếu chính phủ cho đến tháng 9/2016. Tuy nhiên, lạm phát ở khu vực này vẫn ở mức chỉ 0,2% trong tháng Tám, trong khi mục tiêu đề ra là 2%.

Trong khi đó, ECB nhận định đà phục hồi kinh tế ở Eurozone sẽ tiếp tục nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến, do sự sa sút của các nền kinh tế mới nổi ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu của bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục