ECB dự định sẽ không kết thúc sớm gói nới lỏng định lượng

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể gạt bỏ khả năng kết thúc sớm gói nới lỏng định lượng (QE) sau khi khởi động thành công chương trình này.
ECB dự định sẽ không kết thúc sớm gói nới lỏng định lượng ảnh 1Quang cảnh bên ngoài trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu tại thành phố Frankfurt am Main, miền trung Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào ngày 15/4 và có thể gạt bỏ khả năng kết thúc sớm gói nới lỏng định lượng (QE) sau khi khởi động thành công chương trình này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

Trên thực tế, thành công của chương trình bơm số tiền trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đem lại một số thông tin tốt, cũng như đáp ứng được mục tiêu mua vào lượng trái phiếu trị giá 60 tỷ USD một tháng trong tháng đầu tiên thực hiện chương trình.

Vì thế, các nhà phân tích cho rằng Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi có thể bác bỏ các đề xuất kết thúc sớm chương trình nới lỏng định lượng này, vốn đã phải nhận nhiều chỉ trích và tranh cãi trước khi được thực hiện vào ngày 9/3 vừa qua.

Nhà kinh tế Richard Barwell tại RBS cho rằng ông Draghi sẽ không chấm dứt sớm chương trình nới lỏng định lượng trước kế hoạch tháng 9/2016, khi người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu hoàn toàn tự tin rằng các động thái của ECB là tối quan trọng với các thị trường.

Chương trình của Ngân hàng Trung ương châu Âu có cách hoạt động tương tự như các chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ và Anh, bằng cách bơm tiền vào thị trường thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, qua đó kéo lãi suất cho vay xuống thấp, nhất là tại Pháp và Đức, cũng như thúc đẩy dòng tín dụng dễ dàng hơn.

Nhà kinh tế tại Ngân hàng Berenberg, Christian Schulz nhận xét gói nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thành công.

Quá trình triển khai hoạt động mua trái phiếu diễn ra suôn sẻ và hiệu quả của chính sách này có thể đã vượt quá kỳ vọng của chính ngân hàng này.

Bên cạnh đó, do tác động từ chương trình nới lỏng định lượng, tỷ giá đồng euro đã giảm đáng kể so với USD.

Kể từ đầu năm 2015 đến nay, đồng euro đã mất 11% giá trị so với USD và điều này tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và khiến chi phí mua hàng từ nước ngoài đắt đỏ hơn, qua đó nâng tỷ lệ lạm phát lên và đẩy lùi nguy cơ giảm phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục