ECB khẳng định biện pháp kích thích kinh tế phát huy tác dụng

Chủ tịch ECB Mario Draghi khẳng định chương trình kích thích kinh tế của ngân hàng này đang phát huy tác dụng và thúc đẩy kinh tế của 19 quốc gia thành viên Eurozone.
ECB khẳng định biện pháp kích thích kinh tế phát huy tác dụng ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi. (Nguồn: economiaweb.it)

Ngày 15/4, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi khẳng định chương trình kích thích kinh tế của ngân hàng này đang phát huy tác dụng và thúc đẩy kinh tế của 19 quốc gia thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ông cũng nhấn mạnh ECB sẽ tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng (QE) của mình cho đến khi tình hình lạm phát được cải thiện.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Frankfurt (Đức), Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết nền kinh tế của Khu vực đồng euro đã có được đà tăng trưởng kể từ cuối năm ngoái và sự hồi phục sẽ mở rộng và tăng cường đáng kể. Chẳng hạn, điều kiện huy động vốn và chi phí vay nước ngoài dành cho khu vực tư nhân đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây, dẫn đến nhu cầu đi vay cũng tăng.

Do đó, ECB sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ chính sách tiền tệ hiện nay. Một trong các động thái chứng minh là việc ECB thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản, hiện đang ở mức thấp nhất lịch sử 0,05%. Hai lãi suất cơ bản khác là lãi suất tiền gửi và lãi suất công cụ cho vay thanh khoản cũng được ECB giữ nguyên ở mức âm 0,2% và dương 0,3%.

Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình nới lỏng định lượng, ECB tiếp tục đợt thu mua trái phiếu tổng trị giá lên tới 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) hay 60 tỷ euro mỗi tháng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các nước EU và cắt giảm tỉ lệ thất nghiệp hiện ở mức 11,3% của khu vực đồng euro.

Tỷ lệ thất nghiệp ở EU hiện đang cao gấp đôi so với ở Mỹ, nơi mà một loạt những chương trình mua công trái lớn hơn đã giúp vực dậy nền kinh tế lớn nhất thế giới từ đáy cuộc suy thoái kinh tế năm 2008.

Bất chấp những tuyên bố lạc quan của ông Draghi, giới phân tích vẫn cho rằng tại cuộc họp vào cuối tuần này với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lãnh đạo ECB sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi trong bối cảnh Eurozone đang đối mặt với những cuộc đàm phán khó khăn với Hy Lạp, khi nước này đòi giảm bớt các điều kiện tài chính khắc nghiệt mà các chủ nợ quốc tế đã áp đặt lên Hy Lạp để đổi lấy các khoản vay cứu trợ mới tài chính hàng tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục