ECB không nâng mức trần tín dụng hỗ trợ khẩn cấp cho Hy Lạp

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/7 đã quyết định giữ nguyên mức tín dụng hỗ trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, hiện ở mức khoảng 89 tỷ euro.
ECB không nâng mức trần tín dụng hỗ trợ khẩn cấp cho Hy Lạp ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt/Main, Đức. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam+)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/7 đã quyết định giữ nguyên mức tín dụng hỗ trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp.

Đây là lần thứ ba ECB không nâng mức trần hỗ trợ khẩn cấp cho Athens, hiện ở mức khoảng 89 tỷ euro.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, quyết định trên tuy tiếp tục giữ các ngân hàng Hy Lạp "trên mặt nước," song không phải là quyết định được Athens chờ đợi.

Chính phủ Hy Lạp mong muốn ECB bổ sung thêm công cụ tài chính cho các ngân hàng nước này, song thể chế tài chính có trụ sở ở Frankfurt/Main không đồng ý nâng mức trần tín dụng hỗ trợ thanh khoản cho Hy Lạp.

Hội đồng thống đốc ECB có thể sẽ nhóm họp vào đầu tuần tới để bàn về các khoản tín dụng khẩn cấp cho Athens. Các khoản tín dụng của ECB hiện là nguồn tiền duy nhất "nuôi sống" các ngân hàng Hy Lạp.

Ngay sau khi ECB quyết định không nâng mức trần tín dụng thanh khoản cho Hy Lạp, hệ thống ngân hàng ở nước này rơi vào tình thế phải hoạt động cầm cự, như đóng cửa các điểm giao dịch, phong tỏa việc chuyển tiền ra nước ngoài nếu không có giấy phép của ngân hàng trung ương hay Bộ Tài chính, trong khi khách hàng chỉ có thể rút 60 euro/người/ngày.

Hiện có nhiều thông tin cho biết các ngân hàng Hy Lạp sẽ cạn tiền mặt trong một hai ngày tới.

Theo một sắc lệnh được Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp Nadja Valavani ký ngày 8/7, hệ thống ngân hàng ở nước này sẽ đóng cửa đến ngày 13/7 do khó khăn về tài chính. Các biện pháp kiểm soát lưu thông nguồn vốn theo kế hoạch trước đó hết hiệu lực từ đêm 8/7.

Tại Hy Lạp, Thủ tướng Alexis Tsipras đang tiếp tục thảo luận với các nhà đàm phán và các bộ trưởng nước này về các đề xuất mới nhằm giải quyết khủng hoảng nợ.

Trong ngày 9/7, Thủ tướng Tsipras có thể đưa ra một đề xuất cải cách mới, chi tiết, trong bối cảnh ông muốn đạt được thỏa thuận với các chủ nợ trước ngày 12/7, thời điểm các nhà lãnh đạo Eurozone họp thượng đỉnh quyết định về khủng hoảng nợ của Athens.

Trong diễn biến liên quan, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cùng ngày cho rằng Hy Lạp cần tái cơ cấu nợ, trong đó IMF sẽ tham gia đầy đủ vào tiến trình tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng nợ của Athens.

Tuy nhiên, bà cho biết IMF sẽ không có hành động "đặc biệt" đối với Hy Lạp. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng việc phục hồi kinh tế ở Mỹ vẫn chưa đủ mạnh để có thể tăng lãi suất, đồng thời bày tỏ quan ngại về hậu quả trong trường hợp Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone.

Trang tin N24 của Đức dẫn kết quả cuộc thăm dò do hãng tin Reuters thực hiện với 57 nhà kinh tế cho biết có khoảng 55% số ý kiến nhận định Hy Lạp sẽ phải rời Eurozone. Đây là lần đầu tiên có quá nửa số ý kiến trong cuộc thăm dò của Reuters cho rằng Hy Lạp sẽ phải rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục