Ericsson công bố 10 xu hướng sử dụng công nghệ trong năm 2016

Ưa thích xem trực tuyến, nhà báo công dân, liên lạc khẩn cấp qua mạng xã hội... là những xu hướng công nghệ được người dùng sử dụng trong năm 2016.
Ericsson công bố 10 xu hướng sử dụng công nghệ trong năm 2016 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: forbes.com)

Báo cáo thường niên về xu hướng sử dụng công nghệ của Ericsson ConsumerLab được Ericsson Việt Nam phát đi vào 16/12 cho thấy, người tiêu dùng tin rằng trí tuệ thông minh sẽ giúp con người có khả năng tương tác với các vật mà không cần sử dụng đến màn hình smartphone.

Ông Michael Björn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Ericsson ConsumerLab cho hay: “Người dùng tỏ ra đặc biệt hứng thú đối với tính năng như trí tuệ thông minh; ảo và thực hay việc gắn Internet trong những bức tường... Điều đó cho thấy sẽ sớm xuất hiện những sản phẩm rất mới và tòan bộ ngành công nghiệp sẽ chuyển dịch để đáp ứng những nhu cầu đó.”

Ericsson ConsumerLab cũng đưa ra 10 xu hướng sử dụng công nghệ trong năm 2016 dựa trên quy mô nghiên cứu toàn cầu:

1. Hiệu ứng kết nối: Đa số người phỏng vấn thừa nhận là cuộc sống của họ chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều từ các dịch vụ trực tuyến. Thời gian để một sản phẩm hay dịch vụ đến với đại chúng nhanh hơn bao giờ hết.

Tại Mỹ, để 1/4 dân số biết đến tivi, cần thời gian tới trên 25 năm, đối với máy tính xách tay là 16 năm và đối với điện thoại di động là 13 năm. Trong khi đó chỉ 7 năm đã có 1/4 dân số Mỹ đã biết và sử dụng web, 46% tham gia từ hai mạng xã hội trở lên.

2. Thế hệ trẻ ưa thích xem trực tuyến (streaming): Năm 2011, mỗi phút có khoảng 30 tiếng video được tải lên Youtube và tới năm 2015 thì con số đó đã lên tới 300 phút. 46% trẻ ở ở độ tuổi 16 đến 19 dành khoảng 1 giờ mỗi ngày trên Youtube.

3. Giao diện trí tuệ thông minh sẽ thay thế thời đại màn hình: Trí tuệ thông minh sẽ giúp tương tác mà không cần màn hình smartphone.

50% người dùng được phỏng vấn tin rằng, trong vòng 5 năm nữa, smartphone sẽ dần trở thành vật của quá khứ. Người tiêu dùng nghĩ tới việc dùng trí tuệ thông minh để lướt mạng, tìm thông tin du lịch hoặc trợ giúp cá nhân.

4. Thế giới ảo mang lại ý nghĩa thật: Thông tin bằng hình ảnh ngày càng phát triển với sự xuất hiện của Virtual Reality, nơi người tiêu dùng có thể mua sắm, xem bản đồ, xem phim và xem thể thao. Công nghệ màn chiếu trong suốt holographic khi chiếu lên làm vật như lơ lửng trên không trung sẽ là xu thế chính trong vòng 5 năm tới.

5. Nhà cảm ứng: 50% người dùng smartphone tin rằng các loại gạch xây nhà có thể chứa những cảm ứng giúp theo dõi nấm mốc, rò rỉ, các vấn đề về điện trong vòng 5 năm tới. Do vậy các công ty xây dựng cũng sẽ trở thành nhà cung cấp hạ tầng Internet.

6. Phương tiện công cộng thông minh: Thời gian dành cho việc di chuyển đối với những người dùng phương tiện công cộng cao hơn 20% so với thời gian họ dùng để nghỉ ngơi thư giãn. 86% muốn cá nhân hóa những dịch vụ công cộng mà họ sử dụng ví dụ như cách thanh toán, các dịch vụ liên quan để có thời gian giá trị hơn khi phải di chuyển.

7. Liên lạc khẩn cấp: Mạng xã hội giờ đã trở thành cách thức được ưa chuộng để kết nối với các dịch vụ khẩn cấp. 6 trong số 10 người hứng thú sử dụng ứng dụng di động liên quan đến thông tin và cảnh báo về tai nạn, sự cố.

Cứ hai người được hỏi thì một người tin rằng các trung tâm ứng cứu sự cố khẩn cấp sẽ được liên lạc qua mạng xã hội trong vòng 3 năm tới.

8. Internables (thiết bị cấy vào bên trong cơ thể): Các thiết bị cảm ứng đo đạc tình trạng sức khỏe được cài đặt trong cơ thể sẽ trở thành thiết bị tương lai bởi nó giảm bớt những yếu tố không tiện dụng của các thiết bị theo dõi đeo tay. 8 trong số 10 người cho biết muốn dùng các thiết bị cảm ứng để nâng cao thị giác, thính giác và trí nhớ.

9. Mọi thứ đều có thể bị tin tặc tấn công (hacked): 50% tin rằng trong vòng 3 năm tới, bị tấn công bởi tin tặc hay virus sẽ trở thành vấn đề thường nhật, 43% tin rằng chúng ta sẽ bị yêu cầu nhận diện mỗi khi sử dụng Internet.

10. Nhà báo công dân: Người tiêu dùng ngày càng tin rằng khi chia sẻ thông tin, họ càng giúp tăng tầm ảnh hưởng của mình tới xã hội. Hơn 1/3 được hỏi tin rằng cảnh báo qua mạng xã hội đối với những công ty có biểu hiện tham nhũng thì có ảnh hưởng mạnh hơn là báo cáo công an./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục