EU đề xuất các biện pháp khẩn cấp đối phó với nạn trốn thuế

Ngày 23/4, trong ngày làm việc thứ 2, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU đã nhất trí triển khai một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế.
EU đề xuất các biện pháp khẩn cấp đối phó với nạn trốn thuế ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, đồng thời là Chủ tịch Eurogroup. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/4, trong ngày làm việc thứ hai, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí triển khai một loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Amsterdam, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, đồng thời là Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup), khẳng định giới chức các nước ý thức được sự cấp thiết của vấn đề và đã làm việc hết sức nghiêm túc, tích cực dể thống nhất các biện pháp cần thiết, lấp các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật, hiện đang bị các tập đoàn lớn lợi dụng để trốn thuế.

Trong số các biện pháp, các bộ trưởng EU đề xuất lập một danh sách đen các "thiên đường trốn thuế" mà các công dân và tập đoàn của châu Âu lợi dụng để lách thuế, trốn thuế.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế Pierre Moscovici cho biết các nước nhất trí về thời hạn hoàn tất danh sách này là mùa Hè tới. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng ủng hộ đề xuất của các thành viên lớn gồm Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha về thiết lập cơ chế trao đổi dữ liệu, thông tin về các chủ nhân thực sự của các công ty.

Dự kiến tuần tới, các nước EU sẽ khởi động các cuộc thương lượng về những quy định mới yêu cầu các công ty lớn hoạt động tại châu Âu công khai thu nhập từ các cơ sở của họ tại những nước thành viên liên minh.

Trước đó, sau khi vụ rò rỉ Hồ sơ Panama phơi bày những chiêu thức mà những người giàu có và quyền lực nhất thế giới đã sử dụng để che giấu tài sản và tìm cách trốn thuế, Anh cùng với Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy ngày 15/4 vừa qua đã công bố một quy định mới về minh bạch thuế để đối phó với vấn nạn trốn thuế. Quy định mới dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2017.

Theo quy định mới, các thông tin về chủ nhân thực sự của các công ty "vỏ bọc," hay còn gọi là các công ty "lá chắn" và các quỹ tín thác hải ngoại, sẽ được chia sẻ một cách tự động. Đây được coi là biện pháp đối phó với việc các tổ chức và cá nhân trốn thuế và che giấu tài sản ở những nơi được coi là "góc khuất" của hệ thống tài chính.

Anh tuyên bố sẽ hợp tác với các đối tác châu Âu để xác định các cá nhân và tổ chức đứng đằng sau các công ty "vỏ bọc" và các quỹ tín thác - thường được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền và tham nhũng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục