EU dự định rà soát các hợp đồng năng lượng ngoài khối

EU đã công bố kế hoạch rà soát những hợp đồng năng lượng mà các nước thành viên ký kết với những quốc gia ngoài khối này nhằm giảm phụ thuộc khí đốt vào Nga.
EU dự định rà soát các hợp đồng năng lượng ngoài khối ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/2 đã công bố kế hoạch rà soát những hợp đồng năng lượng mà các nước thành viên ký kết với những quốc gia ngoài khối này, trong một nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Đề xuất mới sẽ cho phép Ủy ban châu Âu (EC) xem xét trước liệu các hợp đồng kể trên có tuân thủ các quy định của EU hay không trước khi được ký kết, thay vì sau khi đã hoàn tất như trước đây.

Miguel Arias Canete, Ủy viên về Năng lượng của EU, cho hay “điều này có nghĩa là sẽ không có quốc gia nào được phép đặt bút ký các thỏa thuận liên chính phủ trước khi EC đưa ra ý kiến của mình."

Theo Ủy viên Canete, trong bối cảnh thị trường EU ngày càng hợp nhất thì quyết định của một nước thành viên có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với những quốc gia bên cạnh.

Thời gian để EC đưa ra ý kiến về một thỏa thuận có thể lên đến 12 tuần và ý kiến này cần phải được tiếp nhận một cách “tối đa."

Bên cạnh đó, Brussels cũng yêu cầu các nước đảm bảo nguồn cung khí đốt cho các hộ gia đình, bệnh viện và các dịch vụ quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng.

Các quốc gia thành viên cũng cần thông báo về những hợp đồng thương mại có thời hạn dài hơn một năm, nếu quy mô của những hợp đồng này đủ lớn để đe dọa nguồn cung khí đốt vào khu vực.

Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh EU đang tiến hành điều tra việc công ty năng lượng nhà nước Nga Gazprom áp giá bán không công bằng đối với khí đốt đưa vào EU.

Trong 10 năm liên tiếp tính đến năm 2014, EU đã phải nhập khẩu 50% nhu cầu sử dụng năng lượng của mình, 1/3 trong số đó đến từ Nga và một số nước thành viên mới ở Đông Âu phụ thuộc vào Nga.

Đề xuất rà soát các hợp đồng năng lượng ngoài khối sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên để thông qua.

Quá trình dự kiến sẽ kéo dài trong vài năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục