EU hối thúc đàm phán để giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh

Đại diện cấp cao của EU Federica Mogherini ngày 23/7 kêu gọi các bên đối thoại nhanh chóng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh.
EU hối thúc đàm phán để giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh ảnh 1Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ngày 23/7 đã kêu gọi đối thoại nhanh chóng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp với Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad Al-Sabah cùng một số quan chức khác của Kuwait, bà Mogherini đã hối thúc tất cả các bên tham gia đàm phán nhằm đạt được nhất trí về các nguyên tắc rõ ràng, cũng như một lộ trình nhằm giải quyết nhanh chóng cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bà Mogherini khẳng định EU sẵn sàng ủng hộ tiến trình đàm phán và hỗ trợ việc thực thi kế hoạch nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh, đặc biệt trong vấn đề chống khủng bố.

[Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích các kẻ thù thổi bùng căng thẳng ở vùng Vịnh]

Ngoài ra, bà còn bày tỏ sự ủng hộ với những nỗ lực trung gian hòa giải không ngừng của Kuwait.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann ngày 19/7 vừa qua cũng đưa ra đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia - hai nhân tố chính trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) với Qatar.

Phát biểu với truyền thông sau chuyến công du 4 nước gồm Nga, Indonesia, Saudi Arabia và Mỹ, Bộ trưởng Ammann khẳng định nước này đang thúc đẩy đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia, song với điều kiện là cả hai bên cần phải có lời đề nghị chính thức trước.

Mới đây, Thụy Sĩ cũng đã đề nghị đại diện quyền lợi cho Iran tại Riyadh và quyền lợi của Saudi Arabia tại Tehran sau khi hai nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia đã kéo dài từ lâu. Giới chức Iran cáo buộc Saudi Arabia đứng sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Tehran mà tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng từng nhận trách nhiệm tiến hành.

Iran hậu thuẫn cho phong trào Hamas và Hezbollah và là quốc gia đứng đầu trong trục Hồi giáo Shiite và mâu thuẫn gay gắt với các quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni khác trong khu vực Trung Đông.

Iran cáo buộc các quốc gia theo dòng Hồi giáo Sunni do Saudi Arabia đứng đầu và Mỹ tài trợ cho các nhóm vũ trang đối lập tại khu vực người Kurd ở miền Tây Iran và vùng Baluchi ở miền Đông nước này.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia vào tháng 5 đã làm bùng lên căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia, nhất là sau khi ông Trump và Quốc vương Salman tuyên bố Iran là một nghi can tài trợ cho khủng bố.

Ngày 5/6 vừa qua, các nước Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc chính quyền Doha bảo trợ các nhóm khủng bố và thực thi các chính sách can thiệp nhằm gây bất ổn trong khu vực.

Qatar bác bỏ các cáo buộc trên và cho đến nay, các bên vẫn chưa thể tìm ra hướng giải quyết cho mối bất hòa nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục