EU hối thúc Tổng thống Macedonia mở đường lập chính phủ mới

EU hối thúc Tổng thống Macedonia mở đường thành lập chính phủ mới

Đại diện EU khẳng định đã đề nghị ông Ivanov xem xét về tương lai đất nước và rút lại quyết định nói trên vì lợi ích của tất cả người dân tại quốc gia Balkan này.
EU hối thúc Tổng thống Macedonia mở đường thành lập chính phủ mới ảnh 1 Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh Macedonia đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị, Liên minh châu Âu (EU) ngày 3/3 đã hối thúc Tổng thống Gjorge Ivanov hủy bỏ quyết định trước đó của ông về việc từ chối ủy quyền cho lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội đối lập Zoran Zaev thành lập chính phủ, dù ông Zaev đã nhận được sự ủng hộ của 67/120 nghị sỹ Quốc hội trong cuộc bầu cử trước thời hạn hồi tháng 12 năm ngoái.

Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Macedonia tại thủ đô Skopje, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini khẳng định đã đề nghị ông Ivanov xem xét về tương lai đất nước và rút lại quyết định nói trên vì lợi ích của tất cả người dân tại quốc gia Balkan này.

Bà Mogherini nhấn mạnh Hiến pháp Macedonia quy định tổng thống nên "tin tưởng giao trách nhiệm thành lập chính phủ cho ứng cử viên thuộc các đảng chính trị vốn nhận được sự ủng hộ đa số trong quốc hội." Bà bày tỏ hy vọng Macedonia sẽ tôn trọng hiến pháp quốc gia của mình.

Tổng thống Ivanov từng tuyên bố sẽ cho phép ông Zoran Zaev thành lập chính phủ nếu nhận được đủ sự ủng hộ từ các đảng trong Quốc hội.

Tuy nhiên, hôm 2/3, ông Ivanov đã từ chối cho phép việc này với lý do chính phủ mới của ông Zaev có thể sẽ "ủng hộ chính sách gây tổn hại đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của đất nước Macedonia."

Tuyên bố này của người đứng đầu nhà nước Macedonia ám chỉ đến đề xuất gây tranh cãi của các đảng người thiểu số gốc Albania, vốn ủng hộ ông Zaev, về việc đưa tiếng Albania trở thành ngôn ngữ chính thức ở Macedonia.

Dù chưa tuyên bố có đồng ý với đề xuất này hay không, đây bị coi là một trong những "rào cản" đối với ông Zaev trong việc được tín nhiệm để giao phó thành lập chính phủ.

Trong nhiều ngày qua, đề xuất nêu trên đã dẫn tới các cuộc biểu tình rầm rộ tại Skopje và một số thành phố khác để phản đối và bày tỏ quan ngại về nguy cơ "liên bang hóa" cũng như đất nước tan vỡ.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2016, các tổ chức chính trị gốc Albania đã giành được ảnh hưởng quan trọng và tuyên bố sẽ ủng hộ chính phủ mới nếu đáp ứng điều kiện đưa tiếng Albania trở thành ngôn ngữ chính thức trên toàn quốc.

Hiện người thiểu số Albania chiếm 25% dân số 2 triệu dân của Macedonia và tiếng Albania hiện là ngôn ngữ chính thức được ít nhất 20% người dân trong khu vực sử dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục