EU lo ngại việc khôi phục dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ"

Nguồn tin ngoại giao cho biết việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố khả năng khôi phục dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đang khiến Liên minh châu Âu (EU) lo ngại.
EU lo ngại việc khôi phục dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" ảnh 1Các công nhân làm việc tại đoạn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Nam qua Bulgaria ngày 31/11/2013. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 1/8, phóng viên TTXVN tại Nga dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố khả năng khôi phục dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đang khiến Liên minh châu Âu (EU) lo ngại.

EU cho rằng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" sẽ củng cố vị thế của Nga, bởi khi đưa vào sử dụng đường ống này, Ukraine sẽ mất đi quy chế quốc gia trung chuyển khí đốt vào châu Âu.

Điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Tập đoàn khí đốt Gazprom, trong khi nguồn cung khí đốt thay thế từ khu vực Caspi sẽ bị gián đoạn.

EU khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mà tại đó hai bên có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ."

Trước đó, ngày 26/7, sau cuộc gặp tại Moskva giữa Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak và Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci, hai bên nhất trí sẽ thành lập nhóm công tác chung thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.”

Dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" được Nga công bố hồi tháng 12/2014, nhằm thay thế cho dự án "Dòng chảy phương Nam."

Theo dự kiến, dự án này sẽ gồm 4 tuyến với công suất mỗi tuyến 15,75 tỷ mét khối khí/năm.

Các tuyến đường ống dẫn khí sẽ đi qua 660km lộ trình thuộc hành lang cũ của dự án "Dòng chảy phương Nam" và 250km thuộc hành lang mới theo hướng phần lãnh thổ thuộc châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 1/12/2014, hai tập đoàn dầu khí Gasprom của Nga và Botas của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký bản ghi nhớ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" từ Nga qua Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ, với công suất 63 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm.

Trong đó, khoảng 16 tỷ m3 sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi 47 tỷ m3 còn lại sẽ được chuyển tới một trung tâm nằm ở biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ để vận chuyển tới châu Âu.

Tuy nhiên, Moskva đã ngừng các cuộc đàm phán về dự án, như một biện pháp trừng phạt nhằm đáp trả vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga tại Syria tháng 11/2015.

Sau khi Ankara đưa ra lời xin lỗi chính thức, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thảo luận về việc khôi phục dự án này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục