EU phủ quyết kế hoạch sáp nhập tập đoàn thép Thyssenkrupp-Tata

Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/6 quyết định ngăn chặn kế hoạch sáp nhập giữa tập đoàn công nghiệp Thyssenkrupp của Đức với "gã khổng lồ" thép Tata của Ấn Độ.
EU phủ quyết kế hoạch sáp nhập tập đoàn thép Thyssenkrupp-Tata ảnh 1(Nguồn: ndtv.com)

Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) ngày 11/6 quyết định ngăn chặn kế hoạch sáp nhập giữa tập đoàn công nghiệp Thyssenkrupp của Đức với "gã khổng lồ" thép Tata của Ấn Độ.

Sự phủ quyết này đã được dự báo và đồng nghĩa với việc chấm dứt thỏa thuận sáp nhập trên.

Trong một tuyên bố, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết: "Chúng tôi cấm kế hoạch sáp nhập này nhằm tránh gây phương hại tới các khách hàng công nghiệp và người tiêu dùng."

Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ trích vụ sáp nhập trên, cho rằng kế hoạch này sẽ làm giảm tính cạnh tranh và tăng giá các loại sản phẩm thép khác nhau.

Tuyên bố nêu rõ: "Các giải pháp đề xuất (nhượng bộ của hai công ty trên) không đưa ra cách thức phù hợp để giải quyết các lo ngại trên."

[Liên minh sản xuất ôtô Renault và Nissan không mấy sáng sủa]

Mục đích của vụ sáp nhập là tạo ra tập đoàn thép lớn thứ hai châu Âu, sau "gã khổng lồ" đa quốc gia ArcelorMittal, và hợp lực nhằm đối trọng với sự nổi lên của thép Trung Quốc.

Khép lại các kế hoạch sáp nhập và loại bỏ khả năng đề xuất những nhượng bộ mới để EU "bật đèn xanh," tập đoàn Thyssenkrupp cho biết trước mắt sẽ tập trung niêm yết trên thị trường chứng khoán cổ phiếu của lĩnh vực sản xuất thang máy, coi đây như một phần của kế hoạch tái cơ cấu tổng thể.

Kế hoạch sáp nhập thất bại đã thêm vào những số liệu kinh doanh ảm đạm mà Thyssenkrupp công bố hồi tháng trước, trong đó tập đoàn này thua lỗ 86 triệu euro. Thyssenkrupp đã phải thông báo sa thải 6.000 việc làm, chủ yếu ở Đức.

Tình trạng thua lỗ từ đầu năm nay hoàn toàn trái ngược với mức lợi nhuận 250 triệu euro hồi đầu năm 2018, cho thấy môi trường kinh doanh khó khăn đối với các công ty thép toàn cầu.

Riêng ngành sản xuất thép của châu Âu còn phải đối mặt với một loạt các vấn đề, như sản xuất dư thừa, thép giá rẻ nhập khẩu từ châu Á và các mức thuế trừng phạt của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục